leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 18/6.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, sau hơn 10 năm thi hành, Luật Công đoàn hiện hành đã bộc lộ hạn chế, bất cập, một số quy định của luật đã không còn phù hợp với thực tiễn. Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các tác động của cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 đã và đang đặt ra cho đất nước ta và tổ chức công đoàn những thời cơ và thách thức mới.

Cùng với đó, việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả truyền thống của tổ chức công đoàn, đồng thời phải khẳng định được vai trò chủ lực, định hướng dẫn dắt phong trào công nhân trong tình hình mới. Do đó, đa số các ý kiến tán thành với sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)…

Các quy định cần phù hợp với thực tế

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ quan tâm đến việc đảm bảo điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động tại các doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất.

Đại biểu cho biết, trên thực tế, không phải tất cả các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất hiện nay đều thành lập công đoàn, và không phải ở đâu có tổ chức công đoàn thì đều được điều kiện hoạt động thuận lợi về thời gian, điều kiện vật chất cũng như ủng hộ tinh thần.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận.

Theo đại biểu, tổ chức công đoàn là một tổ chức hoạt động đại diện vì người lao động, nhưng có tính chất tự nguyện, không phải là tổ chức nằm trong cơ cấu cấu thành của một tổ chức sản xuất. Do đó, nếu quy định chủ doanh nghiệp phải bố trí phòng làm việc phải tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn thì không phù hợp thực tế.

“Thế nên nếu chúng ta quy định cứng nhắc là chủ doanh nghiệp phải bố trí phòng làm việc hay tạo điều kiện thì tôi nghĩ rằng cũng chưa thực sự phù hợp với thực tế, hơn nữa có thể sẽ tạo nên những phản ứng không hay, cho nên chúng tôi cũng đề nghị cân nhắc nội dung này” - đại biểu Trần Khánh Thu kiến nghị.

Băn khoăn về việc quy định thời gian lao động của cán bộ công đoàn không chuyên trách mà được hưởng lương, đại biểu Trần Khánh Thu cho biết, trên thực tế, chỉ khi chủ doanh nghiệp thấy rằng tổ chức công đoàn có tác dụng hỗ trợ mạnh mẽ, giúp đỡ đắc lực cho doanh nghiệp trong nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao hiệu quả... thì chủ doanh nghiệp mới có thể tạo điều kiện cho công đoàn.

“Còn thực tế thì hầu như chủ doanh nghiệp cũng rất khó chấp nhận việc này, nếu có quy định trong Luật Công đoàn. Chính vì vậy, chúng tôi cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc và đối chiếu với các bộ luật khác để cho phù hợp” - đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh.

Nên lấy kinh phí từ công đoàn cấp trên để chi trả tiền lương cho cán bộ chuyên trách

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, tại các công ty, doanh nghiệp, công đoàn là tổ chức bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, theo đại biểu, tiền lương và các chi phí trả cho cán bộ công đoàn ở các công ty, doanh nghiệp lại do chính chủ công ty, doanh nghiệp, tức người sử dụng lao động chi trả.

Vì vậy, đại biểu băn khoăn rằng, vấn đề đặt ra là cán bộ công đoàn trong công ty, doanh nghiệp có thật sự dám lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động bị xâm phạm hay không?

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu thảo luận.

“Thực tiễn trong thời gian qua chúng ta thấy đã thống kê được có bao nhiêu vụ việc khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại các công ty, doanh nghiệp mà tổ chức công đoàn tại đây đã đứng ra đại diện bảo vệ cho người lao động hiệu quả đó thế nào? Do đó chúng ta còn phải xem lại vấn đề này để tổ chức công đoàn tại các công ty, doanh nghiệp ngoài nhà nước phát huy được vai trò trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp người lao động” - đại biểu Nguyễn Hữu Thông phân tích.

Để tổ chức công đoàn cơ sở tại các công ty, doanh nghiệp ngoài Nhà nước phát huy được thực sự vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đại biểu đề nghị tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp khác đối với cán bộ công đoàn chuyên trách ở các công ty, doanh nghiệp nên lấy từ kinh phí từ của công đoàn cấp trên để chi trả.

Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ giúp cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại công ty, doanh nghiệp…

Nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn

Quan tâm đến nội dung về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn tại Điều 30 của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, đây là nội dung rất quan trọng, vì vậy nên quy định ngay trong dự thảo luật như phương án 2 của dự thảo.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu thảo luận.

Đối với một số nội dung trong phương án 2 dự thảo quy định, đại biểu cho rằng, việc quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn là cần thiết nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính công đoàn.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của Công đoàn cơ sở là nơi trực tiếp chăm lo đời sống của người lao động nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn, không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% như khoản 2 Điều 30 dự thảo mà chỉ nên quy định đó là tỷ lệ tối thiểu và tỷ lệ tối đa.

Cụ thể, đại biểu đề nghị xem xét, quy định kinh phí Công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 do Công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng tối đa 25%, còn lại được phân phối cho Công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp...

Yêu cầu nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, với không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, các đại biểu Quốc hội đã cơ bản thống nhất với việc sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn với nhiều nội dung mới. Đồng thời, các đại biểu cũng đề cập nhiều vấn đề từ thực tiễn phong phú, sinh động từ cơ sở, từ yêu cầu phát triển, kế thừa và phát huy vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới theo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận nội dung thảo luận.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra các đề xuất có nhiều căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn sâu sắc, toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao đối với dự thảo Luật, làm cơ sở chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung quy định lẫn kỹ thuật lập pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, ý kiến của các đại biểu Quốc hội sẽ được tổng hợp đầy đủ, ngay sau Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu tác động thông qua các hội nghị, hội thảo, bảo đảm tính minh bạch, dân chủ, khả thi trong từng quy định của dự thảo Luật, kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề phát sinh để có hướng giải quyết, nỗ lực hoàn thiện dự thảo Luật để có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8. 

Diên Hồng