Đây là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 khai mạc sáng nay (28/12).

leftcenterrightdel
Thủ tướng cho biết, dưới tác động của COVID-19, nhiều nước rơi vào suy thoái, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương.                                                        Ảnh:VGP

Cũng theo Thủ tướng, dưới tác động của COVID-19, nhiều nước rơi vào suy thoái, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương, dịch bệnh được kiểm soát, bảo đảm an sinh xã hội. Đến thời điểm này, chúng ta đã đạt được mục tiêu kép trong phòng, chống COVID -19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng cũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều ngành dịch vụ công nghệ cao phát triển nhanh, kinh tế nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, cùng với đó nền kinh tết tư nhân cũng có những bước phát triển, doanh nghiệp Việt Nam dần chiếm lĩnh vị trí chủ chốt của nền kinh tế, nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sản xuất đã vươn ra thị trường toàn cầu.

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam là 319 tỉ USD, đây không phải là kết quả mới mà liên tục trong 4 năm qua thứ hạng thương hiệu Việt Nam đều tăng. Hệ thống tài chính nước ta ổn định, thị trường chứng khoán phát triển, giá trị tài sản của các ngân hàng tiếp tục nâng lên, tỉ lệ nợ xấu thấp, ngoại hối tăng kỉ lục xấp xỉ 100 tỉ USD…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Việt Nam không chỉ thành công về kinh tế mà còn đạt nhiều tiến bộ nhanh chóng về xã hội. Việt Nam đã tạo ra hơn 8 triệu việc làm, thu nhập và mức sống người dân ngày càng tăng lên. Nhờ có việc làm tốt hơn, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, kinh tế phát triển, đời sống xã hội tốt đẹp hơn. Hiện thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 5.000 USD một năm. Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân chúng ta đã tăng gần 145%. Đánh giá theo tiêu chuẩn của World Bank tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam tương đương gần 9.000 USD.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ cũng đều nhận diện những hạn chế, khó khăn như: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được bảo đảm, mặt bằng thu nhập còn thấp, khu vực doanh nghiệp nhìn chung còn khó khăn, sức cạnh tranh thấp, những nút thắt về hạ tầng, nguồn nhân lực… Chất lượng giáo dục, y tế nhìn chung còn nhiều bất cập. Những vấn đề sát sườn với đời sống người dân như tai nạn giao thông, an ninh trật tự, tội phạm xã hội, ma túy, cờ bạc, cho vay nặng lãi, nhiều giá trị xã hội bị suy giảm; nhất là tình trạng suy nghĩ lệch lạc, mất định hướng giá trị, sống thiếu hoài bão, thiếu lý tưởng trong một bộ phận giới trẻ...

Tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết, Việt Nam chưa thể trong nhóm đứng đầu thế giới về thu nhập, nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong một số lĩnh vực. Thủ tướng tin tưởng, những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc sẽ giúp làm nên thành công, như cha ông ta đã đứng vững trước mọi thiên tai, đẩy lùi mọi cuộc xâm lược, giúp chúng ta đạt được những thắng lợi trong 35 năm đổi mới.

“Hơn lúc nào, đây là thời điểm củng cố niềm tin, nền kinh tế, đất nước ta đang tiến nhanh về phía trước và chắc chắn dân tộc ta sẽ tiến nhanh hơn nữa về phía trước. Chúng ta không được chủ quan, chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa.”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. 

Tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, cùng 10 chỉ tiêu KTXH khác. Những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình COVID-19 trong nước và thế giới. Song Chính phủ đặt mục tiêu trong năm 2021 là đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu kinh tế, trong đó tăng trưởng GDP thêm 0,5 điểm phần trăm lên mức 6,5%. 

 

 

Minh Nhật