leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 3/6.

Đảm bảo sự minh bạch trong khâu lựa chọn đối tượng

Góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, dự thảo Nghị quyết cần có thêm một khoản nữa để Chính phủ quy định chi tiết nội dung lựa chọn phạm nhân cho ra ngoài trại giam lao động.

Về xây dựng các tiêu chí quy định chặt chẽ khâu lựa chọn phạm nhân để đảm bảo sự minh bạch thay vì như điểm c, khoản 1, Điều 3 dự thảo Nghị quyết chỉ quy định VKSND cấp tỉnh nơi trại giam đóng tại địa phương trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại khu lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam mà không có cơ chế giám sát ngay từ đầu ở khâu lựa chọn phạm nhân. Trong khi đó, khoản 2, Điều 5 dự thảo Nghị quyết quy định việc lựa chọn phạm nhân do nội bộ trong trại giam quyết định.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

Do đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị bổ sung vào điểm c, khoản 1, Điều 3 dự thảo Nghị quyết là VKSND cấp tỉnh nơi trại giam đóng tại địa phương phải trực tiếp kiểm sát từ đầu khâu lựa chọn phạm nhân nhằm đảm bảo tính minh bạch trong quá trình lựa chọn.

Về chính sách tạo việc làm cho phạm nhân sau khi ra trại giam hiện nay gặp không ít khó khăn. Tuy đã được học nghề trong trại giam nhưng khi chấp hành xong án phạt tù thì vấn đề tìm việc làm là một thách thức lớn đối với họ trong quá trình nỗ lực hoàn lương. Nhiều người sau khi mãn hạn tù rơi vào cảnh vô gia cư hoặc hoàn cảnh đặc biệt.

Do đó, việc áp dụng thí điểm lần này, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng, các cơ quan nên quan tâm hơn đối với công tác đào tạo, dạy nghề cho phạm nhân không chỉ ngoài trại giam mà cả trong trại giam. Đồng thời, đề nghị bổ sung vào khoản 1, Điều 7 dự thảo Nghị quyết việc tổ chức thi và cấp bằng, chứng chỉ, có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho phạm nhân để khi chấp hành xong án phạt tù họ có thể tìm kiếm được việc làm ổn định.

Kiến nghị bổ sung biên chế cho Bộ Công an, VKSND

Đưa ra ý kiến về một số nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng chỉ rõ, tại khoản 4 Điều 1 quy định “người tổ chức trong vụ án đồng phạm” thì thuộc trường hợp những phạm nhân không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam. Đại biểu đề nghị rà soát, nghiên cứu thêm trường hợp này để đảm bảo tính thống nhất, khả thi của dự thảo Nghị quyết. 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng.

Về việc không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam những phạm nhân từ 60 tuổi trở lên, đại biểu cho rằng đây là độ tuổi lao động chứ không phải độ tuổi để căn cứ viện dẫn Điều 2 Luật Người cao tuổi, do đó cần quy định rõ nam, nữ theo độ tuổi lao động theo quy định của Luật Lao động cho phù hợp với thực tiễn. 

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ có cơ chế chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện thí điểm mô hình, ngoài cơ chế chính sách thu hút đầu tư hiện hành, nên có quy định về loại hình đầu tư khác, để thu hút lao động là phạm nhân đang chấp hành hình phạt.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Bộ Công an, VKSND bổ sung biên chế, trang thiết bị để tạo điều kiện thuận lợi triển khai đưa phạm nhân đi lao động, học nghề ngoài trại giam.

Lựa chọn ngành nghề phổ thông để dạy cho phạm nhân

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, các vị đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến đóng góp sâu sắc đối với hồ sơ dự thảo Nghị quyết, các ý kiến đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao, sự quan tâm, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án phạt tù…

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Về vấn đề cụ thể liên quan tới các ngành nghề, tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, để phù hợp với trình độ của phạm nhân, ngành nghề được tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân được lựa chọn là các ngành nghề phổ thông có tính tương đồng với mặt bằng chung của xã hội, ưu tiên các ngành nghề sản xuất hàng hoá tiêu thụ trong nước. Các ngành nghề tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề không thuộc danh mục các ngành, nghề có mức độ lao động độc hại, nguy hiểm theo Quy định tại Thông tư số 11 ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Về quy định các đối tượng không được đưa ra sử dụng lao động sản xuất, dạy nghề ngoài trại giam như có từ 2 tiền án trở lên, tội phạm nguy hiểm, người tổ chức trong đồng phạm, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đây là những phạm nhân có thân nhân xấu, tính chất, mức độ tội phạm nguy hiểm cần phải quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ trong trại giạm. Trên cơ sở những quy định của pháp luật khác, cơ quan soạn thảo lựa chọn để đưa ra những vấn đề này.

Liên quan đến lý do các đối tượng phạm nhân dưới 18 tuổi hoặc người từ 60 tuổi trở lên không được tham gia lao động, dạy nghề, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, theo quy định của Khoản 2, Điều 10 Luật Thi hành hình sự năm 2019, phạm nhân dưới 18 tuổi phải được bố trí, giam giữ riêng.

Bên cạnh đó, việc tổ chức lao động, dạy nghề thực hiện chế độ chính sách cho những đối tượng này cũng phải có sự khác biệt so với các phạm nhân khác. Các trại giam phải tổ chức các hoạt động giáo dục, cải tạo riêng đặc thù như tổ chức dạy văn hóa, các trung tâm dạy nghề của các trại giam khác.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 3/6.

Đối với những người trên 60 tuổi, theo Luật Người cao tuổi quy định, người cao là người từ đủ 60 tuổi trở lên. Do đó công tác quản lý, giáo dục đối với phạm nhân là người 60 tuổi trở lên cũng phải có những biện pháp phù hợp với tình trạng sức khỏe, tâm lý của người cao tuổi.

Bên cạnh đó, đối với việc yêu cầu tổ chức lao động hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân thì khó có điều kiện được cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ cho phạm nhân vì mục đích chính của mô hình này là tổ chức môi trường lao động, đào tạo, dạy nghề thường xuyên, đảm bảo tính cách tiếp cận, thực hành nghề liên tục sát với các yêu cầu thực tiễn của xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, việc cấp giấy chứng chỉ nghề trong thời gian phạm nhân đang tham gia lao động, học tập, học nghề đã có quy định cụ thể trong Luật Thi hành án hình sự. Những người dưới 18 tuổi, phạm nhân trong độ tuổi thanh, thiếu niên đến 30 tuổi chưa có nghề nghiệp, phạm nhân có mức án dưới 5 năm tù với chuẩn bị chấp hành án phạt tù sẽ được ưu tiên bố trí học nghề, nâng cao tay nghề.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, cơ quan có liên quan khác tiếp thu các ý kiến của đại biểu, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội thông qua.

Vũ Cảnh