Chiều ngày 12/5, Đảng ủy Công an tỉnh Khánh Hòa chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị thông tin tuyên truyền và lấy ý kiến góp ý đối với 5 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo (Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Căn cước; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở).

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Hà Quốc Trị và Đại tá Nguyễn Văn Ngàn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa đồng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu định hướng Hội nghị, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa Hà Quốc Trị nhấn mạnh, đây là hoạt động rất quan trọng nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14/10/2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 407/QĐ-TTg, ngày 30/3/2022 về triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”; tạo cơ chế, điều kiện để các cơ quan, ban, ngành và nhân dân phát huy quyền làm chủ của công dân trong tham gia xây dựng pháp luật, nhất là chính sách tác động lớn đến xã hội.

Đối với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật CAND, qua 3 năm triển khai thực hiện Luật CAND năm 2018, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình thực hiện đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập như: Hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an chưa phù hợp với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động; việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác chưa cụ thể nên khó triển khai trên thực tế,…

Đồng thời, ngày 16/3/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ xây dựng lực lượng CAND là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, làm nền tảng. Do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung Luật CAND để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Lao động.

leftcenterrightdel
 Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Hà Quốc Trị phát biểu định hướng Hội nghị. Ảnh: NH.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã đồng ý giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam.

Đồng thời, qua tổng kết thực tiễn thi hành 2 Luật này còn một số tồn tại, hạn chế như báo cáo của Công an tỉnh đã nêu, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, nhất là các quy định liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và các quy định về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam.

Do đó việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 Luật này là hết sức cần thiết để giải quyết ngay những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn, hoàn thiện cơ sở pháp lý, đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Đối với dự án Luật Căn cước, trước yêu cầu về phục vụ chuyển đổi số quốc gia, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là các dịch vụ công thiết yếu; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, hiện nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về vấn đề này đã không còn phù hợp với tình hình, trong đó, có các quy định của Luật Căn cước.

Đồng thời, qua đánh giá tổng kết Luật Căn cước công dân năm 2014 còn nhiều nội dung vướng mắc, bất cập cần giải quyết.

leftcenterrightdel
 Hội nghị có sự tham gia của đại diện nhiều sở, ngành tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: NH.

Ngày 31/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3/2023, thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật Căn cước công dân và đổi tên dự án Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước.

Dự thảo Luật Căn cước bổ sung một số điều về quản lý người gốc Việt Nam; cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh cho người gốc Việt Nam; tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ Căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ, chứng thực dữ liệu công dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư.

Có thể nói đây là xu thế tất yếu, đem lại tiện ích tối đa cho người dân, giảm bớt thủ tục hành chính, giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ngày càng hiện đại hơn, làm nền tảng cho chuyển đổi số và cải cách hành chính nói chung, trong đó có dự án Luật Căn cước.

Đối với dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, sau gần 15 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ hiện nay.

Đặc biệt, quá trình thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy sự thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật. 

Thực tiễn cho thấy, an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là 2 lĩnh vực khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực, phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện. Trong đó, an toàn giao thông thuộc lĩnh vực trật tự an toàn xã hội; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, liên quan đến đầu tư, quản lý tài sản công và tuân theo quy luật thị trường.

leftcenterrightdel
 Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Khánh Hòa trình bày tham luận. Ảnh: NH.

Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là khách quan, cấp bách từ tình hình thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển, với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, hiện nay, công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở đang được 3 lực lượng khác nhau hỗ trợ cho lực lượng Công an xã chính quy là lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố và Công an xã bán chuyên trách.

Tuy nhiên, nhiệm vụ, quyền hạn thì lại được quy định ở nhiều văn bản pháp lý khác nhau, chế độ, chính sách cũng khác nhau, chưa thống nhất.

Dân phòng, bảo vệ dân phố và Công an xã bán chuyên trách là lực lượng ở gần cơ sở nhất, luôn có mặt trước tiên để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra ở cơ sở. Do đó, có thể nói lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở hiện nay có vai trò hết sức quan trọng. Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa và từ cơ sở những vụ việc về ANTT thì nhất thiết phải có lực lượng tham gia, hỗ trợ cho lực lượng Công an cơ sở.

Hơn nữa, hiện nay lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố và Công an xã bán chuyên trách không có chế độ chính sách tương xứng, không được hỗ trợ về bảo hiểm y tế, trong khi phải thường xuyên đối mặt với những nguy cơ bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe do tội phạm gây ra.

Phần góp ý, thảo luận, Hội nghị đã nghe các tham luận của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các sở Thông tin& Truyền thông, Nội vụ, Giao thông vận tải, Lao động thương binh và xã hội,..

Tham luận của các đại biểu bày tỏ sự đồng thuận cũng như phân tích sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các luật nhằm bảo đảm sự đồng bộ, phù hợp với thực tiễn; đồng thời đưa ra nhiều ý kiến hoàn thiện các dự luật.

Nguyễn Huân