Sáng 17/3, lãnh đạo TPHCM đã gặp gỡ cộng đồng các doanh nghiệp (DN) bàn các giải pháp đột phá về cơ chế để TPHCM phát triển nhanh, bền vững.

leftcenterrightdel
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các doanh nghiệp trong giờ giải lao. 

Trên "nóng", dưới "lạnh"

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Hào, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM đề nghị thành phố công khai các dự án đầu tư công sẽ mời thầu và khi xây dựng các dự án đầu tư công nên mời hiệp hội DN trong nước tham gia ngay từ ban đầu.

Ông Hào bức xúc cho rằng các dự án lớn như tàu điện ngầm (metro), cần quan tâm đến tỷ lệ nội địa hóa. “Nhiều dự án lớn, DN trong nước không được chọn làm nhà thầu, thậm chí là thầu phụ ngay trên sân nhà, trong khi đã có sản phẩm chất lượng cao xuất khẩu sang các nước tiên tiến, thị trường khó tính đặc biệt là thiết bị điện”, ông Hào cho hay.

Đề cập đến cải cách hành chính, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM nói thẳng: Tôi kiến nghị lãnh đạo TPHCM xiết chặt kỷ cương, kỷ luật, khắc phục tình trạng trên nóng dưới lạnh và giám sát chặt chẽ các sở ban ngành, cơ quan đơn vị cấp dưới. Có như vậy, tỷ lệ 80% người dân hài lòng mới thực chất.

Bà Chi nói trước những quyết sách lớn của TPHCM, lãnh đạo thành phố phải quyết liệt chỉ đạo các sở ban ngành và truy cứu trách nhiệm, xử lý nghiêm nếu người đứng đầu sở ban ngành không hoàn thành nhiệm vụ vì TPHCM vẫn còn một bộ phận cán bộ công chức (CBCC) có thái độ ứng xử không tốt, quan liêu, nhũng nhiễu, làm khó DN.

“Lãnh đạo thành phố nên đánh giá thường xuyên kết quả giải quyết thủ tục của CBCC qua các ứng dụng phần mềm và công khai, cập nhất chi tiết lên cổng thông tin điện tử tất cả những nội dung liên quan đến chính sách; trình tự thực hiện các thủ tục hành chính”, bà Chi kiến nghị.

Bà Chi cũng đề nghị TPHCM cần lập tổ công tác như Chính phủ để rà soát và kiến nghị trung ương tháo gỡ kịp thời những chính sách không còn phù hợp, thậm chí là rào cản. “Một sản phẩm ra thị trường phải qua 3 Bộ, 11 giấy phép con. Vừa qua, chúng tôi kiến nghị và được làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng. Ngay sau đó, Chính phủ đã xây dựng Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 tháo gỡ khó khăn cho DN”, bà Chi cho hay.

Giảm hội họp đi cơ sở

Nghe các DN phản ánh, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong hỏi ngay: Chúng tôi phải làm gì. Cải cách hành chính (CCHC) chắc chắn sắp tới sẽ làm quyết liệt hơn. Ai cũng hiểu nếu hiệu quả CCHC tăng 10% thì tăng trưởng kinh tế thêm 3,6% nên từ đầu tôi mới nhấn mạnh lãnh đạo TPHCM "nóng" lên thì lãnh đạo các sở ban ngành không được "lạnh".

Chủ tịch UBND TP cho biết, những lần gặp gỡ DN định kỳ hàng năm, ông đã yêu cầu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm kiểm tra một năm qua thành phố đã làm được những gì, tháo gỡ được những vướng mắc gì cho các DN.

Chủ tịch UBND TPHCM cam kết: Lãnh đạo TPHCM sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất quán về chính sách; cải cách hành chính mạnh mẽ hơn; đặc biệt là sẽ giảm 30% cuộc họp để dành thời gian đi cơ sở tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp.

Theo người đứng đầu chính quyền TPHCM, thành phố sẽ hỗ trợ toàn diện để DN phát triển bền vững, cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN, giảm thanh tra, kiểm tra để giảm phiền hà cho DN. Về thủ tục hành chính, đến năm 2020, TPHCM sẽ có 70% dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 3 và 30% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 để hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa DN và cán bộ công chức nhằm hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu.

“Lãnh đạo TPHCM luôn nhận thức vai trò quan trọng của DN trong quá trình phát triển của thành phố”, ông Phong nói.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 trong tháng 1/2017 thì thành phố đã chuẩn bị ngay các đề án để kịp triển khai thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù vì thời gian thí điểm chỉ trong 5 năm. TPHCM không thể đảo ngược mà chỉ có một mục tiêu duy nhất là đẩy nhanh quá trình triển khai các đề án nhằm tạo sự đột phá về thể chế, cơ chế.

Ngày 16/3 vừa qua, tại kỳ họp bất thường, HĐND TPHCM đã thông qua 6 nghị quyết triển khai các đề án tăng phí dừng đỗ ô tô, phí bảo vệ môi trường, nâng thu nhập cán bộ công chức viên chức, thu hút các chuyên gia, nhà khoa học các lĩnh vực TPHCM đang cần… bước đầu thể chế hóa Nghị quyết 54, khởi đầu một năm đầy thuận lợi.

Ông Nguyễn Thiện nhân đánh giá hai năm qua kinh tế TPHCM tăng trưởng khá, tạo nhiều chuyển biến quan trọng. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) năm 2017 đạt 8,25% và phấn đấu năm nay sẽ đạt 8,7%. Đặc biệt, lần đầu tiên quy mô kinh tế TPHCM đã vượt 1 triệu tỷ đồng. Huy động tổng đầu tư xã hội tăng trưởng tốt với hơn 365.000 tỷ đồng trong năm 2017. Tính ra mỗi ngày TPHCM thu hút đầu tư hơn 1000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là từ khối kinh tế tư nhân. Ngoài ra, thu ngân sách năm 2017 vượt chỉ tiêu trung ương giao (348.000 tỷ đồng). Tính ra mỗi ngày TPHCM thu ngân sách được 945 tỷ đồng.

“Đường sá, giải pháp đầu tư chưa đột phá nhưng thu hút đầu tư nước ngoài đột phá. Trong hai năm 2016, 2017, thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp được 10,06 tỷ USD (trong khi 5 năm từ 2011 - 2015 thu hút 10,36 tỷ USD). Trước kia mỗi năm chỉ thu hút hơn 2 tỷ, bây giờ hơn 5 tỷ USD, vượt 2,4 lần. Đây là niềm tin cộng đồng doanh nghiệp đã tạm ứng cho thành phố, mong mỏi thành phố đột phá”, ông Nhân nhấn mạnh.

 Việt Hoa - Huy Thịnh

 

“TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và trung tâm mô phỏng phục vụ cho người dân, doanh nghiệp. Một thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh thì không thể quản lý nhà nước bằng kinh nghiệm mà phải bằng dự báo’.

(Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân)