Cách đây 80 năm, bản Đề cương về Văn hoá Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo ra đời khi Nhật vào Đông Dương, chế độ phát xít được thiết lập, đất nước bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đây là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về lĩnh vực văn hóa, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước suốt 80 năm qua.

Trải qua 80 năm với những giai đoạn khác nhau của lịch sử dân tộc, những đường hướng trong Đề cương, dù được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, vẫn giữ được tính nhất quán về đường hướng phát triển, nguyên tắc chỉ đạo. Tầm nhìn của những vấn đề trong Đề cương mang ý nghĩa cách mạng và khoa học sâu sắc. Tinh thần khai phóng ấy được tiếp tục phát triển, mở rộng trong những văn kiện quan trọng của Đảng sau này.

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943 - 2023), Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu bài viết của Giảng viên Đặng Thu Hường (Học viện Chính trị khu vực I).

leftcenterrightdel
Toàn văn Đề cương về văn hóa Việt Nam được đăng trên tạp chí Tiên Phong số 1. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện Đảng quan trọng. Trong đó chứa đựng những giá trị trường tồn của một văn kiện mang tầm vóc cương lĩnh đối với công cuộc xây dựng và triển nền văn hóa Việt Nam.

Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đảm bảo hệ thống các quan niệm, phạm trù, các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc. Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943  được trình bày làm 5 phần (Cách đặt vấn đề; Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam; Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam;  Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít  Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mácxít  Việt Nam).

Đề cương về văn hóa Việt Nam chứa đựng những giá trị cốt lõi xứng tầm là tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa.

Thứ nhất, Đề cương đã đặt nền tảng lý luận cho sự phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam, góp phần thống nhất nhận thức, tư tưởng, định hướng học thuật trong lĩnh vực văn hóa, xác định đường lối cho văn hóa văn nghệ. Xác lập những vấn đề căn cốt về quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng; chức năng của văn hóa nghệ thuật đối với bối ảnh lịch sử cụ thể; nguyên tắc và cách thức đấu tranh cho một nền văn hóa độc lập, tự chủ, khoa học, đại chúng,... Do vậy, dù chỉ là đề cương nhưng Đề cương về văn hóa (1943) vừa có ý nghĩa thời sự, cấp bách, đáp ứng nhu cầu cách mạng thời điểm đó, vừa là kim chỉ nam định hướng cho tiến trình phát triển của văn hóa Việt Nam.

Thứ hai, bản Đề cương khẳng định vai trò lãnh đạo không thể thay thế của Đảng Cộng sản (lúc này là Đảng Cộng sản Đông Dương) đối với công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới: “Cách mạng văn hóa ở Việt Nam phải dựa vào cách mạng giải phóng dân tộc mới có điều kiện phát triển”; “Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”. Bối cảnh đó ở Việt Nam có sự tồn tại song song của nhiều Đảng khác nhau như: Đảng Đại Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng…Nhưng không đủ sức tập hợp toàn dân và lãnh đạo cách mạng. Nhiều chí sĩ yêu nước kiệt xuất đã tìm mọi con đường khác nhau để giải phóng dân tộc và phát triển văn hóa như Phan Đình Phùng với phong trào Cần Vương; Hoàng Hoa Thám với khởi nghĩa Yên Thế; Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng với phong trào Duy Tân,... nhưng đều thất bại. Thành công rực rỡ của cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể đảm đương được sứ mệnh dẫn dắt toàn thể dân tộc trong các giai đoạn cách mạng tiếp theo.

leftcenterrightdel
   Cần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá dân tộc Việt Nam.

Thứ ba, Đề cương đã đưa ra dự báo chính xác, tầm nhìn vượt thời gian khi khẳng định tiền đồ, tương lai của văn hóa Việt Nam: “Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”. Điều này được chứng minh khi trang sử vàng chói lọi của lịch sử Việt Nam mở ra sau chiến thắng của Cách mạng Tháng Tám, đồng thời mở ra một nhà nước độc lập và tương lai về nền văn hóa Việt Nam thực sự được thăng hoa, xác lập những giá trị của mình.

Thứ tư, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 có sức lôi cuốn, quy tụ, đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là giới trí thức, văn nghệ sĩ tích cực tham gia cách mạng với vai trò là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, từ đó khởi tạo và xây dựng nền văn hóa mới.

Thứ năm, Đề cương đã xác lập rất chuẩn xác ba nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Đây là những giá trị thực tiễn hết sức quan trọng, đặt biệt là đối với lĩnh vực văn hóa. Trong sự phát triển về tư duy lý luận của Đảng trong lĩnh vực văn hóa, các nguyên tắc này được coi như “kim chỉ nam” cho nền văn hóa độc lập, tự cường, vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

Đề cương về văn hóa Việt Nam tròn 80 năm ra đời, đã thực sự đem lại một bước tiến mới về chất so với phương pháp tiếp cận đương thời về văn hóa dân tộc. Thực tiễn cách mạng Việt Nam, với những thành tựu của công cuộc đổi mới trong hơn 36 năm qua đã minh chứng rằng, những quan điểm của Đề cương vẫn còn giá trị định hướng cho phát triển văn hóa không chỉ đến ngày nay mà còn nhiều năm về sau.

5 hoạt động chính kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam

- Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển", ngày 27/2 tại Trung tâm hội nghị quốc tế, Hà Nội dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

- Lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử",  ngày 28/2  tại Nhà hát Lớn Hà Nội. 

- Phim tài liệu 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, ngày 27/2  trên kênh VTV1.

- Tuần phim kỷ niệm gồm các phim: Bình minh đỏ, Cơn giông, Phượng cháy, Nhà tiên tri, ngày 25/2-3/3 trên phạm vi toàn quốc. 

- Triển lãm ảnh, khai mạc sáng 27/2 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế và ngày 28/2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

 


Đặng Thu Hường (Giảng viên Học viện Chính trị khu vực I)