Bảo tồn di sản văn hóa- dư luận đa chiều
Trong tiến trình xây dựng, phát triển TT.Huế trở thành TP trực thuộc TW, có chủ trương bảo tồn, phát huy, khôi phục với Đề án "Huế - kinh đô áo dài" là cần thiết trong tổng thể xây dựng TP di sản trực thuộc TW như nói trên. Theo cá nhân tôi, chủ trương việc làm của Tỉnh là đúng đắn, cần thiết...
Từ việc nam giới mặc áo dài ngũ thân, đầu đội khăn đóng, ngực mang dạng kim bài, ngọc bài (quan xưa có phẩm hàm mới được đeo) và có người cổ mang dạng kim khánh, ngọc khánh (quan có đẳng cấp, Vua ban tặng mới có) của nam công chức sở VHTT tỉnh Thừa Thiên- Huế nêu trên lại có sự phản ứng với số đông không đồng thuận, thậm chí có ý kiến gay gắt... Trong khi thực tế, việc nam giới mặc áo dài, đội khăn đóng tại TT.Huế nói riêng và cả nước nói chung từ xưa đến nay vẫn còn thực hiện. Nữ giới thì đã rõ, ai cũng biết. Như nam giới hiện nay thỉnh thoảng xuất hiện (đa phần người lớn tuổi) đã mặc áo dài tại những buổi lễ tế, lễ hội, cúng kị, cưới hỏi... Nam thanh niên cũng mặc trong cưới hỏi, diễn xuất, ca múa... mà quần chúng, nhân dân đã chấp thuận, đa phần không có ý kiến gì, có khi còn khen ngợi, cần phát huy. Nhưng tại sao lần này bị nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ?. Theo tôi, có một sô lý do:
|
|
Nam công chức ngành văn hóa Huế trong trang phục áo dài. Ảnh: Thanh Phong - vnexpress |
Trước hết, có nhiều người phản ứng, cho rằng rườm rà, bất tiện cho hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức. Việc họ lo ngại là đúng đắn, có trách nhiệm với công vụ nhà nước. Họ ngại nếu trở thành chủ trương và nhân rộng thì khi làm việc thao tác không thể nhanh nhẹn, không thoải mái vào những lúc thời tiết quá nóng hoặc di chuyển ngoài cơ quan, khi mưa gió, lụt bão. Cũng lo lắng phải mua sắm thêm trang phục. Bất tiện trong vệ sinh đối với nam giới tại cơ quan. Khi rét lạnh, liệu có mặc thêm áo ấm bên ngoài không? Trong khi đa phần cán bộ, công chức, viên chức với số đông là trẻ tuổi, thao tác khác với người lớn tuổi, di chuyến có phần bất tiện, đứng lên ngồi xuống liệu khăn đóng có thể xiêu vẹo, rơi rớt.
Theo tôi còn có ảnh hưởng rất lớn về sức khỏe. Khi đội khăn đóng lâu sẽ làm bó đầu ảnh hưởng tiểu mạch ở đầu, cổ áo bó quá ảnh hưởng đến sự lưu thông máu lên não ( ảnh hưởng động mạch cảnh). Ngoài ra, mặc áo dài thì cổ không được thoải mái so việc mặc áo sơ mi bình thường.
Hai là, về hình ảnh nam công chức sở VHTT mặc áo dài khăn đóng, ngực có đeo dạng kim bài, ngọc bài, cổ có đeo dạng kim khánh, ngọc khánh.Hình ảnh này như phục dựng lại hình ảnh của quan xưa. Tạo cho người nhìn có tâm lý thị giác, nhìn họ chẳng khác gì các quan lại thời phong kiến nên có một số ý kiến thấy phản cảm, dị ứng...
Hình ảnh nói trên chỉ phù hợp khi phục dựng trong các buổi lễ tế hoặc diễn xuất nghệ thuật liên quan lịch sử... Đồng thời, thấy khập khểnh trong số nam giới mặc áo dài khăn đóng có sự phân biệt: giám đốc sở thì mặc áo xanh tím, cổ có đeo dạng ngọc khánh, cán bộ còn lại màu xanh và chỉ đeo dạng kim bài càng làm tăng thêm tâm lý thị giác dị ứng như nói trên (xưa, dưới triều nhà Lê đã có phân biệt màu sắc theo phẩm hàm cho các quan khi vào triều). Và nhiều lí do khác, các bạn suy ngẫm thêm...
|
|
Áo dài - quốc phục dân tộc. Ảnh: Sở VH -TT Thừa Thiên - Huế |
Áo dài Việt không phải là xa lạ
Mặc y phục truyền thống của quốc gia mình là thông điệp nói lên "bản sắc dân tộc" thông qua y phục và là minh chứng tính độc lập, tự cường và truyền thống của quốc gia, dân tộc mình. Nên việc khôi phục nam giới mặc áo dài những lúc cần thiết là đúng. Trước mắt làm điểm, tạo phong trào cho nam cán bộ, công chức mặc áo dài những thời điểm thích hợp là cần thiết. Nhưng phải đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ, đúng đối tượng và không "nhái", không "hoài cổ", bảo thủ cố hữu...mà phải có cách tân phù hợp, dần dần lan tỏa và rồi dân chúng sẽ chấp nhận làm theo.
Thực tế, mỗi quốc gia, dân tộc đều có y phục truyền thống riêng. Có nơi y phục truyền thống đó trở thành thường phục cho đến ngày nay hoặc nhiều nước họ chỉ phô bày, giới thiệu y phục truyền thống vào những dịp trang trọng hoặc có tính ngoại giao... Chúng ta đã thấy, qua các dịp Hội nghị APEC thế giới đều có trang phục truyền thống của nước chủ nhà cho các đại biểu để mặc vào các thời điểm trang trọng nhất như: khai mạc, bế mạc.
Đó cũng là ý nghĩa: Nước sở tại tiếp nguyên thủ các nước trên thế giới với tấm lòng của cả dân tộc nước chủ nhà và thông điệp nói lên truyền thống, tính tự chủ đất nước mình. APEC Việt Nam - 2006 đã có trang cấp áo dài truyền thống dân tộc Việt cho các nguyên thủ quốc gia. Cũng như ông Thị trưởng thành phố Kyoto - Nhật mặc áo Kimono khi đến làm việc với Thừa Thiên- Huế hoặc cả khi tham quan, ông cũng thường xuyên trong bộ áo đó là thể hiện sự trân trọng với nước bạn bè quốc tế, cũng như một thông điệp rằng: Họ đến với tinh thần là quốc gia, dân tộc của họ, chứ không phải riêng cá nhân ai. Cũng như vừa qua, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND Tỉnh trong bộ áo dài khăn đóng tiếp bà đại sứ Úc tại Việt Nam không ngoài ý nghĩa như trên.
Một điều chú ý, trong các buổi ngoại giao, tiếp khách trang trọng như nói trên chỉ có nguyên thủ hoặc người đứng đầu địa phương hoặc trưởng đoàn thì mới mặc áo truyền thống, còn lại cán bộ, nhân viên tùy tùng... phải mặc trang phục theo quy định nơi công sở.
Đôi điều suy nghĩ
Đồng ý phục dựng nét đẹp văn hóa về y phục áo dài dân tộc là điều cần phát huy nhưng không phải hoài cổ, bảo thủ, không chịu cách tân, phát triển. Trên cơ sở đó, theo quan điểm cá nhân có một số cảm nhận, suy nghĩ, góp ý, đó là:
Thứ nhất, bảo tồn trên cơ sở phát triển, cách tân để phù hợp: nên chăng không nhất thiết mặc đồng bộ áo dài, khăn đóng, quần trắng rộng thụng thệnh như xưa. Mặc áo dài với quần tây màu sáng, xám sáng vẫn đẹp. Trong thực tế nhiều nam giới đã mặc dạng như vậy, xưa nữ mặc áo dài phải mặc quần trắng, nay có thể xanh vàng đen đỏ. Cộng đồng tự khắc điều chỉnh gam màu áo quần phù hợp.
|
|
Các lãnh đạo APEC mặc áo dài truyền thống của Việt Nam may bằng lụa tơ tằm với họa tiết hoa sen tại kỳ APEC năm 2006 - Ảnh: AP |
Do đó, áo dài cần có cách tân, không nên quá thụng thệnh và quá dài. Cổ áo phải không bó. Khăn đóng chỉ đội khi thực hiện lễ nghi như chào cờ, lễ hội, tiếp khách có tính ngoại giao hoặc khi phục dựng, trình diễn còn tại công sở thì không nên đội khăn đóng liên tục vì sẽ gây bức bối, ảnh hưởng sức khỏe như nói trên. Ta đang đặt vấn đề tôn vinh tà áo dài Việt thì chưa nên đặt nặng mang khăn đóng, kiểu đồng bộ như xưa (như GSTS Thái Kim Lan: nên nhìn góc độ có tính thời trang).
Trong thực tế, ta thường thấy các vị bô lão chỉ mang áo dài khăn đóng khi hành lễ, bái lạy hoặc tiếp khách quan trọng có tính ngoại giao sau đó họ sẽ không đội khăn đóng khi chuyện trò, dự tiệc hoặc thậm chí họ không mặc áo dài. Một điều quan trọng nữa: bỏ ngay việc ngực mang dạng thẻ ngà, kim bài, ngọc bài, cổ đeo dạng kim khánh, ngọc khánh... (chỉ thực hiện khi phục dựng, thực hiện nghi lễ như triều Nguyễn trước đây). Vì không khéo sẽ bị phản ngược từ thực hiện "lễ" của người xưa thành vô lễ với tiền nhân.
Hai là, nên có lộ trình làm điểm: cho triển khai nam giới mặc áo dài tại khối văn phòng liên quan đến nhiệm vụ văn hóa, giáo dục, du lịch... nhưng không nhất thiết phải kèm mang khăn đóng như nêu trên. Có kế hoạch từng bước 1 tháng 1 ngày rồi đến 1 tháng, 2 ngày hoặc vào những dịp lễ hội quốc gia, địa phương. Và cũng tùy thuộc tính chất chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, đơn vị.
Về hoa văn, màu sắc, nền áo cần có nghiên cứu hướng dẫn một số màu sắc chủ đạo, nền vãi và hoa văn thích hợp. Tránh sự pha tạp, cải biến trở thành phản cảm (đừng người rồng kẻ rắn, người hoa kẻ bướm). Từ đó, mở rộng ra công chức, viên chức, số ngày và lúc nào tại cơ quan, công sở phù hợp.
Phải xác định mục tiêu, ý nghĩa việc cán bộ công chức mặc áo dài tại công sở là làm gương, làm mẫu để lan tỏa ra cộng đồng, không phải chỉ phô diễn nơi công sở. Nếu chệch mục tiêu, thì đó xem như là cuộc cải cách y phục cán bộ, công chức tại công sở không quan tâm hướng về nhân dân. Nếu như vậy là tách rời nhân dân ắc sẽ thất bại. Khi nhân dân đồng thuận, sẽ lan tỏa trở thành phong trào trong quần chúng nhân dân. Mà nhân dân là chủ thể làm ra văn hóa, thực hiện văn hóa. Tôi tin rằng tâm lí xã hội luôn hướng đến cái đẹp, cái hợp lí, hợp thời, cái đặc trưng riêng mình được bên ngoài đồng thuận, khen ngợi. Tự khắc không vận động họ cũng làm. Nhà nước đương thời chỉ chọn lọc và định hướng.
Ba là, điều quan trọng nữa, cần nghiên cứu quy định của Chính phủ về y phục của nam cán bộ công chức viên chức, nếu cần xin ý kiến Bộ VH-TT-DL, Chính phủ để có văn bản hướng dẫn. Tôi tin sẽ phù hợp, vì Thừa Thiên- Huế đang triển khai thực hiện tiến trình xây dựng thành phố di sản, đặc thù của quốc gia để trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54/ NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng thành phố di sản đặc thù, trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế...
Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng tại TP Huế (Cố đô Huế) nam công chức mặc áo dài truyền thống ở công sở vào những ngày và thời điểm thích hợp mà đã có chủ trương là việc nên làm.