leftcenterrightdel
                    Xuân đến mang theo nhiều niềm vui và hy vọng. Ảnh: BQT                           

Đảng ra đời vào mùa Xuân với ý chí quyết tâm chính trị vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm 1927, khi chuẩn bị tư tưởng, lý luận và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khẳng định một chân lý cách mạng lớn của thời đại ngày nay: Muốn làm cách mạng trước hết cần có Đảng. Đảng có vững cách mạng mới thành công. Hồ Chí Minh quyết tâm thành lập Đảng ta vào mùa Xuân với ý chí vĩ đại: Giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc, nhân dân và xây dựng một Việt Nam hùng cường. Từng bước một, các mục tiêu đó được thực hiện và trở thành hiện thực sống động trên đất nước ta. 

Đang hoạt động ở Xiêm, Hồ Chí Minh được tin trong nước đã hình thành 3 tổ chức cộng sản. Đó là kết quả hợp quy luật của việc Hồ Chí Minh dày công và cực kỳ sáng tạo trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam. Đã xuất hiện nhu cầu ngăn chặn sự chia rẽ và phải thống nhất ngay 3 tổ chức cộng sản làm một. Kịp thời xuất hiện đúng lúc với yêu cầu của lịch sử, cuối năm 1929, Hồ Chí Minh đã từ Xiêm đến Trung Quốc, sang Hương Cảng để triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong dịp lập Xuân năm Canh Ngọ, từ ngày 3 đến ngày 7/2/1930, đại diện cho Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng, Lời kêu gọi do Người soạn thảo. Những văn kiện này vượt qua sóng gió, thử thách trong thực tiễn cách mạng trở thành cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, vạch đúng đường, chỉ rõ lối cho cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi. 

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào mùa Xuân năm Canh Ngọ 1930 đã chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối và ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đó là mùa Xuân đầu tiên đất nước ta có Đảng. Với niềm tin vào sự tất thắng của Đảng và cách mạng Việt Nam, ngay sau khi thành lập Đảng, Hồ Chí Minh đã tiên đoán rõ ràng: Ngày nay, các nhóm cộng sản đã thống nhất vào một đảng, hoạt động nhất định sẽ tốt hơn trước nhiều. Chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn rằng, với kinh nghiệm và lòng hy sinh, với quần chúng ở bên cạnh, những người cộng sản nhất định sẽ chiến thắng.

Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, với niềm tin sắt đá vào thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Non sông Việt Nam sẽ trở nên tươi đẹp, dân tộc Việt Nam sẽ bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Mùa Xuân hồng 2021 với Đại hội XIII mở ra thời kỳ Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển mới

Mở đầu năm 2021 là mùa Xuân hồng với sự kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định ý chí và khát vọng Hồ Chí Minh quyết tâm đoàn kết toàn Đảng, toàn dân đưa Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn. Đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từng bước để đi đến mục tiêu đó là:

- Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong nguồn sáng tư tưởng Hồ Chí Minh lan tỏa, toàn Đảng, toàn dân đoàn kết một lòng quyết đem mùa Xuân vĩnh cửu về cho dân tộc Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, phát triển, giàu mạnh, hùng cường.

Niềm vui đầu tiên của Đại hội Đảng lần thứ XIII đưa lại là Đảng ta đã hoạch định được những chủ trương, chính sách thật sự hợp lòng dân. Các quyết định của Đại hội huy động được tình cảm, trí tuệ và sức mạnh của toàn dân tộc; được nhân dân tin tưởng, đồng tâm, hợp lực thực hiện. Niềm tin của nhân dân Việt Nam hôm nay là niềm tin của những công dân thông minh, công dân thời 4.0 trong quốc gia số, với tâm huyết và trí tuệ đã phát triển về chất, mang đến những thành quả to lớn đã đạt được và cả những khát vọng tươi sáng của Tổ quốc trong tương lai.

Không phụ niềm tin của nhân dân, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã biến khát vọng, ý chí của dân tộc về phát triển thành quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đó chính là nguồn sống xuân mãnh liệt - nhân tố số một quyết định thành công trong sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân là bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết rằng: Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Trước, trong và sau Đại hội Đảng XIII, Đảng ta đã quan tâm tăng cường xây dựng Đảng về công tác cán bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Đảng chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết cả tập thể và cộng đồng.

Một kết quả quan trọng của Đại hội XIII là đã xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao xung quanh Tổng Bí thư để có thể gánh vác trọng trách vinh quang lãnh đạo hoàn thành sứ mệnh lịch sử đoàn kết toàn Đảng, toàn dân quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; Việt Nam ta ngày càng phát triển, hùng cường; nhân dân ta ngày càng ấm no, tự do, hạnh phúc, để xứng đáng với kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân.

Then chốt xây dựng, chỉnh đốn Đảng quyết định mở đầu thành công thời kỳ phát triển mới của Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ: Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Đảng phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.

leftcenterrightdel
Năm 2021, Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới đầy sức sống mãnh liệt.  Ảnh: CTV 

Một sự thật đáng để ai cũng phải suy ngẫm và rút ra bài học. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII có đến hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng. Hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; Trong đó có 27 ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng đã bị thi hành kỷ luật. Những người bị kỷ luật nặng phần lớn không phải do thiếu tài, mà là do thiếu một nền tảng đạo đức cách mạng vững vàng, nên họ đã không tránh khỏi bị tha hóa bởi quyền lực, đồng tiền và những cám dỗ muôn màu muôn vẻ khác. Các vụ án tham nhũng nghiêm trọng được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh là bước đột phá quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ cương của hệ thống chính trị ở nhiệm kỳ Đại hội XII. Việc đó cần tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian 2021-2026 của nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Để Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, Đại hội XIII đã đồng thời chú ý đẩy mạnh hai công việc quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo phương châm: Xây đi đôi với Chống. Xây là tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức. Phòng và Chống là đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại hội XIII tiếp tục tập trung xây dựng Đảng về đạo đức. Cần nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Đoàn thể đều cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, thực hiện thường xuyên, sâu, rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. 

Để nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, nhân dân, trước hết cần thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương. Cán bộ, đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò dẫn dắt, gương mẫu trước nhân dân, nhằm tạo ra sự lan toả, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, v,v,

Để nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, cần coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên trong thực hiện các quy định nêu gương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm. Cho nên các cấp ủy Đảng cần triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. 

Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra vi phạm, nơi có nhiều bức xúc nổi cộm, dư luận quan tâm. Phải xử lý kịp thời, kiên quyết, triệt để, đồng bộ, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm từ xa, từ đầu. Cần giải quyết các vi phạm từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng cấp trên đối với cấp dưới.

Trọng tâm trong đổi mới hệ thống chính trị 

Đại hội XIII xác định nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới hệ thống chính trị hiện nay là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo. 

Trước hết cần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực Nhà nước. 

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Trăm điều phải có thần linh pháp quyền. Cho nên cần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo; bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Để có Nhà nước mạnh cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực phục vụ nhân dân và ngang tầm yêu cầu phát triển quốc gia. 

Cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo động lực phát triển bằng cải cách tiền lương, chế độ, chính sách, đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy cán bộ, công chức đổi mới, sáng tạo, phục vụ đất nước phát triển.

Cần xây dựng hoàn thiện cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài. Tập hợp được thật nhiều người tài giỏi vào bộ máy Đảng, Nhà nước là then chốt của sự phát triển bền vững. Nên khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của nhân dân, đất nước. Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, không còn uy tín đối với nhân dân. 

Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Đặc biệt là Đảng, Nhà nước tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để  nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra trong mùa Xuân hồng đầy sức sống, sinh sôi và phát triển đã thành công rực rõ. Tư tưởng chủ yếu và chủ đích chính của Đại hội xuân này là công tác xây dựng Đảng gắn liền với chỉnh đốn Đảng được tăng cường, làm cho Đảng và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh nhằm phát huy động lực chủ yếu của sự phát triển quốc gia, dân tộc ta hiện nay là ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Đất nước sẽ tiến lên mạnh mẽ, vững chắc với phương thức phát triển là nỗ lực đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững, nhằm đạt được mục tiêu vừa cơ bản vừa cấp bách vừa lâu dài là bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

PGS.TS Nguyễn Thế Thắng