15h chiều nay, phấn chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải- Nguyễn Văn Thể đã kết thúc. Trước những câu hỏi nóng của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng cũng đã thẳng thắn trả lời và nhận khuyết điểm về những tồn tại yếu kém của ngành mình phụ trách.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình: Đề nghị Bộ trưởng làm rõ sự chênh lệch số năm thu phí giao thông giữa dự toán được phê duyệt với kết quả kiểm toán mà báo chí cũng như kiểm toán đã công bố. Bộ trưởng làm rõ việc thu phí BOT thực hiện trên các cơ sở mở rộng nâng cấp đường quốc lộ 1 hướng sắp tới sẽ khắc phục như thế nào.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - TP Hà Nội: Ngày 14/02/2015 Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt dự án thu phí tự động không dừng. Ngày 27/02/2018 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu đẩy nhanh thu phí không dừng. Vậy quan điểm và quyết tâm của Bộ trưởng về việc này như thế nào? Đến bao giờ thì thực hiện xong việc thu phí tự động không dừng ở các trạm BOT trong cả nước nhằm minh bạch hơn việc thu phí tại các trạm đó.

leftcenterrightdel
 

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể: Giai đoạn vừa qua, chúng ta tổ chức đấu thầu dự án BOT và ký hợp đồng BOT trên cơ sở dự án BOT được duyệt. Trong dự án BOT được duyệt, có nhiều phần dự phòng, ví dụ như dự phòng trượt giá, dự phòng khối lượng, dự kiến công tác giải phóng mặt bằng và những vấn đề có thể phát sinh kinh phí, do đó dự án BOT được duyệt bao gồm các khoản có thể phát sinh nên dự án có giá trị lớn. Căn cứ vào quy định của pháp luật, Bộ Giao thông vận tải ký hợp đồng với nhà đầu tư BOT theo dự án được duyệt. Để đảm bảo tính công khai minh bạch, Bộ Giao thông vận tải trong quá trình thực hiện dự án BOT đã chủ động kiến nghị Kiểm toán nhà nước cùng tiến hành kiểm toán trước khi Bộ Giao thông quyết toán.

Trong thời gian vừa qua với 56 trạm BOT, thì đến thời điểm này Kiểm toán nhà nước đã tham gia kiểm toán 50 dự án, gồm 6 dự án nữa đang triển khai. Theo hợp đồng, để đảm bảo quyền lợi của người dân, của nhà nước và của doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải đã đàm phán với các nhà đầu tư BOT và trong hợp đồng có một điều khoản là giá trị sau quyết toán là căn cứ để Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh thời gian thu phí và các chính sách liên quan đến phí. Do đó, việc Kiểm toán nhà nước phát hiện có sự chênh lệch lớn giữa giá trị kiểm toán và giá trị dự án được duyệt là điều hiển nhiên. Với những dự án chúng ta triển khai nhanh, ít biến động giá, ít phát sinh khối lượng thì những phần dự phòng này là phần chênh lệch số năm mà Kiểm toán đã chỉ ra. Theo số lượng chúng tôi đang so sánh, số liệu kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và số liệu quyết toán của Bộ Giao thông vận tải luôn tương đồng với nhau, đặc biệt số lượng quyết toán của Bộ Giao thông vận tải tại nhiều dự án thấp hơn số liệu của Kiểm toán nhà nước. Do đó tôi nghĩ rằng sự phát hiện và chỉ ra của Kiểm toán nhà nước là rất đúng nhưng Bộ Giao thông vận tải cũng thực hiện đúng và đảm bảo quyền lợi của người dân, của nhà nước với những dự án BOT.

Đến cuối năm 2018 toàn bộ các trạm BOT trên quốc lộ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải vận hành thu phí tự động. Toàn bộ các trạm BOT trên hệ thống đường còn lại phải hoàn thành công tác này vào cuối năm 2019. Hiện nay Bộ Giao thông vận tải tập trung quyết liệt công tác này. Chúng tôi xem việc thu phí tự động, không dừng là một giải pháp công khai, minh bạch tốt nhất. Sắp tới khi vận hành toàn bộ thì người dân, các cơ quan nhà nước có thể giám sát nguồn thu của từng trạm BOT một cách cụ thể. Với quyết tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt kế hoạch và thời gian Thủ tướng đã đề ra.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - An Giang: Xin hỏi Bộ trưởng việc tái cơ cấu Vinashin, Vinalines hiện nay đạt hiệu quả đến đâu, số nợ hiện nay còn tồn tại đến giờ tăng lên bao nhiêu nghìn tỷ đồng. Liệu Bộ trưởng có giải pháp gì để sang kỳ họp sau đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước không còn thấy con số nợ này tiếp tục tăng lên.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể: Trong thời gian vừa qua chúng tôi đã tái cơ cấu Vinashin, Vinalines. Vinashin hiện nay sau khi tái cơ cấu, đánh giá là chưa hiệu quả, hiện nay Chính phủ cũng đã thường xuyên họp, chỉ đạo quyết liệt để giải quyết tốt những dự án có sai phạm của Vinashin. Còn Vinalines sau thời gian củng cố, năm 2017 đã có lãi trên 500 tỷ đồng và kế hoạch năm 2018 lãi là khoảng 700 tỷ đồng, hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị ATO để cổ phần hóa Vinalines. Còn nợ của Vinashin hiện nay vẫn nằm trong phạm vi Chính phủ bảo lãnh, do đó hiện nay tôi nghĩ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thường xuyên đề xuất các giải pháp, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm - Phú Thọ: Tôi xin trao đổi với Bộ trưởng, về các dự án BOT Bộ trưởng có nói là phương án xử lý và dựa trên lợi ích của người dân. Sau khi nghe Bộ trưởng trả lời và Bộ trưởng báo cáo thì tôi không thấy như thế.

Bức xúc hiện nay nằm ở 17 dự án đặt sai vị trí. Có 3 dự án dân không đi phải trả tiền. 6 dự án làm trên đường cao tốc và làm đường chính thì đặt ở đường chính và thu cả cao tốc, tức là không đi cao tốc cũng phải trả tiền. 6 dự án không đi đường tránh phải trả tiền.

Tôi thấy trong báo cáo của Bộ trưởng cũng như trong giải pháp Bộ trưởng vừa nêu, tôi chỉ thấy toát lên là dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng, giảm giá, sau đó thuyết phục xong lại dừng, dân không chịu lại dừng. Báo cáo Bộ trưởng dân chịu thì thu, tôi hỏi Bộ trưởng như thế đã vì lợi ích của dân chưa, tại sao dân không đi phải trả tiền. Ngày chúng ta làm 17 dự án BOT này hầu hết là chỉ định thầu.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể: Xin báo cáo Quốc hội 3 dự án chúng tôi báo cáo nằm ngoài phạm vi dự án, một số dự án lịch sử để lại, những dự án này chúng ta đã triển khai lâu rồi, khi chuyển về bộ chúng tôi tiếp nhận. Ví dụ, trạm Bắc Thăng Long ra Nội Bài, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã có một văn bản chỉ đạo là tiếp tục thực hiện việc thu phí. Do đó, với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện đúng theo chỉ đạo. Còn những dự án trước đây, khi chúng ta lập đưa vào dự án và dự án được duyệt đều có sự tham gia của chính quyền địa phương của các bộ, ngành và thời điểm chúng ta phê duyệt dự án các bên có liên quan, trong đó có Bộ Giao thông vận tải xem trạm thu chỗ đó là hợp lý do đó nó nằm trong dự án.

Một số dự án lớn như đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đây là những dự án trọng điểm để kết nối cảng Hải Phòng và Hà Nội và một số khu vực phía Bắc. Đây là dự án hết sức quan trọng, đường cao tốc này có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng vì đầu tư rất lớn, thời điểm đó Chính phủ nhiều lần họp và cũng thống nhất chủ trương để mở thêm trạm bên quốc lộ 5. Tương tự như vậy, một số đường chúng ta nghiên cứu mở rộng tuyến tránh và nâng cấp tuyến hiện hữu, mong muốn của địa phương và người dân là mở rộng đô thị. Những con đường tránh là những trục tạo đột phá, phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương ở những khu vực mà tuyến tránh đi qua, kết hợp với việc nâng cấp, cải tạo quốc lộ. Chủ trương của chúng ta thời điểm đó là nghiên cứu dự án để làm sao mang tính khả thi, có thể phát triển, nâng cấp hạ tầng cho địa phương có dự án đi qua.

Tiếp sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn về công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; Tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.

Minh Triết