leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 16/5.

Nên thiết lập chiến lược sử dụng đất đồng bộ gắn với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Phát biểu thảo luận, đại biểu Lê Thu Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) cho rằng, cần thiết lập chiến lược sử dụng đất đồng bộ nhưng gắn với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Hỗ trợ những lực lượng mới, nhỏ, linh hoạt, sáng tạo nhưng dễ bị tổn thương trong môi trường thể chế thiếu ổn định và khó tiên liệu.

Vì vậy, chính sách hỗ trợ đất đai cần dựa trên 3 nguyên tắc cốt lõi là: đảm bảo đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của luật đất đai tránh tình trạng để dành đất nhưng không thể sử dụng hoặc mâu thuẫn với quy hoạch hiện hành; công khai thông tin đất đai và một phần sản xuất kinh doanh thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia có kết nối với hạ tầng số địa phương và hệ thống đăng ký doanh nghiệp; phân định rõ giữa hỗ trợ có điều kiện và ưu đãi đặc biệt, tránh bị lợi dụng chính sách, nhất là trong xác lập giá thuê đất, định giá tài sản công. Theo đại biểu, chính sách hỗ trợ đất đai không chỉ là biện pháp mà là một trụ cột quan trọng cho quản lý tài nguyên công hiệu quả và minh bạch.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Lê Thu Hà phát biểu thảo luận.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, cần xác lập cơ chế điều phối phân cấp và liên thông hiệu quả, phù hợp với năng lực địa phương và tính chất đa ngành của chính sách. Việc dự thảo nghị quyết giao quyền chủ động cho UBND cấp tỉnh xác định tiêu chí, danh mục, mức hỗ trợ cho thuê đất, cho thuê tài sản công...Tuy nhiên, nếu thiếu cơ chế điều phối và công cụ số hoá đồng bộ thì địa phương quyết dễ dẫn đến tình trạng mỗi nơi một kiểu.

“Do đó cần thiết lập nền tảng số dùng chung, bảo đảm liên thông dữ liệu giữa các ngành như tài nguyên môi trường, tài chính, đầu tư khoa học công nghệ cập nhật thông tin theo thời gian thực để hỗ trợ phân bổ và giám sát chính sách, phân định rõ vai trò của trung ương trong việc xây dựng chuẩn dữ liệu, tiêu chí pháp lý, nhất là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao hiện còn rải rác trong nhiều luật chuyên ngành”, đại biểu Lê Thu Hà kiến nghị.

Kiến nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm

Quan tâm các chính sách hỗ trợ khối kinh tế tư nhân, đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định 4 nhóm đối tượng được miễn giảm thuế.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Thị Vân phát biểu thảo luận.

Theo đại biểu, so với các chính sách khuyến khích khác như: Ưu đãi tín dụng, tiếp cận đất đai, đào tạo nhân lực, cải cách thủ tục hành chính thì miễn, giảm thuế có tác động nhanh, không phải qua nhiều thủ tục, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, để chính sách này có hiệu quả khi triển khai thực hiện, đại biểu đề nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo thay vì miễn thuế 2 năm và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo như khoản 1 Điều 10 dự thảo Nghị quyết.

Theo đại biểu, đặc thù của nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần kinh phí đầu tư lớn, thời gian đầu tư kéo dài để nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh, xây dựng công nghệ, tuyển dụng và giữ chân đội ngũ nhân sự chất lượng cao, đồng thời liên tục phải điều chỉnh để thích nghi với biến động của thị trường.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp.

“Trong suốt quá trình bươn trải để sống sót đó, họ phải chấp nhận nguy cơ thua lỗ, thậm chí có thể không có lãi trong 5 -7 năm đầu. Việc chỉ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo như dự thảo là quá ngắn so với chu kỳ phát triển thực tế của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; chưa đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp, đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh” - đại biểu Trần Thị Vân bày tỏ.

Vì vậy, đại biểu kiến nghị, chính sách thuế cần được thiết kế theo hướng đồng hành với doanh nghiệp trong giai đoạn hình thành và tích luỹ ban đầu. Kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sẽ tạo dư địa tài chính quan trọng, giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho đổi mới sáng tạo. Đây cũng là giải pháp thiết thực để Nhà nước thể hiện vai trò kiến tạo, nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp, lực lượng tiên phong góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị, cần nâng thời hạn miễn thuế thu nhập cá nhân lên 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại khoản 3 Điều 10.

Cần có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh để phòng ngừa các “công ty ma” lợi dụng chính sách

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) nhất trí với nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết, đặc biệt là cách tiếp cận cởi mở, thực tiễn, đặt trọng tâm vào việc tháo gỡ rào cản và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu thảo luận.

Góp ý vào nguyên tắc quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân, đại biểu Nga cho biết, nhất trí với chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong quản lý điều kiện kinh doanh.

“Đây là hướng đi phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo và mở rộng sản xuất”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu không có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả thì chính sách này rất dễ trở thành kẽ hở để các “công ty ma” lợi dụng.

“Thực tế, nhiều đối tượng lợi dụng chính sách thông thoáng để lập ra hàng trăm công ty không hoạt động thực tế, mua bán hóa đơn, trốn thuế, rửa tiền, gây thất thu ngân sách và làm méo mó môi trường cạnh tranh” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích.

Theo đại biểu, có vụ việc cơ quan chức năng đã phát hiện tới hơn 600 doanh nghiệp “ma” xuất trên 1 triệu hóa đơn khống, với giá trị giao dịch lên tới gần 64.000 tỉ đồng.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị để triển khai Nghị quyết, Chính phủ cần quy định cụ thể, bổ sung rõ các yêu cầu cụ thể đối với hệ thống hậu kiểm: liên thông dữ liệu giữa các cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng; kiểm tra thực địa; ứng dụng công nghệ số trong giám sát; và có chế tài đủ sức răn đe.

Đồng thời, cần quy định rõ các ngành, lĩnh vực buộc phải tiền kiểm, trên cơ sở rủi ro và kinh nghiệm quốc tế, để tránh áp dụng tràn lan hoặc lỏng lẻo.

Vũ Cảnh