leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 28/5. Ảnh: VPQH cung cấp.

Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, ngày 28/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường Diên Hồng về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

Cần quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong công tác quy hoạch

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận thấy, Luật Quy hoạch hiện hành cũng như dự thảo L``uật sửa đổi, bổ sung lần này chưa có các quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm cũng như cơ chế của chính quyền địa phương cấp xã trong công tác quy hoạch.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu góp ý tại phiên thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc bổ sung một khoản mới trong Điều 5 của luật hiện hành về hệ thống quy hoạch quốc gia để quy định rõ chính quyền cấp xã là chủ thể phối hợp trong hệ thống quy hoạch, có trách nhiệm tham gia cung cấp thông tin, đề xuất phương án quy hoạch và phối hợp triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn.

“Việc ghi nhận vị trí cấp xã trong hệ thống quy hoạch là cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tính liền mạch và thực tiễn trong tổ chức thực thi pháp luật về quy hoạch”, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc bổ sung vào khoản 4 của Điều 16 về quy trình lập quy hoạch tỉnh quy định rõ trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch tỉnh trong việc lấy ý kiến chính thức của Ủy ban nhân dân cấp xã cũng như yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã cung cấp dữ liệu, đề xuất định hướng phát triển không gian dân cư hạ tầng sản xuất của địa phương mình.

Theo đại biểu, lâu nay, nhiều ý kiến ở cấp xã chưa được tích hợp thực chất vào quy hoạch tỉnh dẫn đến bất cập khi triển khai tổ chức thực hiện, nhất là tại các địa bàn nông thôn, miền núi.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc bổ sung khoản 3 vào Điều 45 về kế hoạch thực hiện quy hoạch quy định Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch trên địa bàn theo dõi tình hình sử dụng đất đầu tư hạ tầng theo quy hoạch đã được phê duyệt và định kỳ báo cáo cho các cơ quan cấp tỉnh.

Theo đại biểu, cấp xã tuy không có quyền quyết định quy hoạch nhưng lại là nơi trực tiếp quản lý hiện trạng sử dụng đất và dân cư, nếu không có cơ chế ràng buộc vai trò của cấp xã thì việc triển khai thực hiện quy hoạch sẽ thiếu lực lượng.

Song song với đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc bổ sung khoản 7 vào Điều 55 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch. Theo đó, quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tổ chức tuyên truyền quy hoạch, giám sát việc thực hiện trên địa bàn, tiếp nhận kiến nghị từ người dân và phản ánh về cơ quan cấp tỉnh.

Đại biểu cho rằng, đây là điểm mấu chốt để tăng cường hiệu lực thực thi quy hoạch ngay từ cấp cơ sở, nhất là trong giai đoạn sáp nhập đơn vị hành chính và chuyển sang chính quyền địa phương 2 cấp.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Cuối cùng, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung một đoạn quy định tại Điều 54a về điều chỉnh quy hoạch hoặc điều khoản chuyển tiếp của Điều 2 dự thảo luật nhằm xác định rõ trách nhiệm, rà soát, kế thừa và cập nhật nội dung quy hoạch tại cấp xã sau khi có sáp nhập địa giới hành chính.

“Ủy ban nhân dân xã mới được thành lập cần có cơ sở pháp lý để tích hợp các nội dung quy hoạch cũ của đơn vị hành chính hợp nhất và đề xuất điều chỉnh quy hoạch tỉnh tương ứng. Việc này nhằm bảo đảm tính liên tục, kế thừa và hiệu quả trong công tác quy hoạch”, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng kiến nghị.

Nên bổ sung quy hoạch có tính liên kết giữa các xã với nhau

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bỏ quy hoạch cấp huyện thì nên bổ sung quy hoạch có tính liên vùng, liên kết giữa các xã với nhau.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu góp ý tại phiên thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa lấy ví dụ, huyện hiện nay chia ra làm nhiều xã, thậm chí xã liên kết với các xã của huyện lân cận...

Do đó, đại biểu bày tỏ: “Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để làm sao trong quy hoạch có tính liên vùng, liên kết giữa các xã với nhau, ăn khớp với nhau, không phân tán trong điều chỉnh quy hoạch và theo tôi điều này là hết sức cần thiết”.

Minh Khôi