leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 20/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến hoàn thiện dự án Luật liên quan đến: tên gọi dự thảo luật; giải thích từ ngữ; phạm vi điều chỉnh, quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với các công trình ngăn sông, suối dạng đập tạm bằng bao cát để ngăn mặn trong mùa khô; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; phòng chống tác hại do nước gây ra; đăng ký cấp giấy phép tài nguyên nước; quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; về việc gây mưa nhân tạo…

Đề nghị đổi tên thành Luật Bảo vệ nguồn nước

Góp ý cụ thể về tên gọi dự thảo luật, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị đổi tên thành Luật Bảo vệ nguồn nước, vì xuyên suốt nội dung của dự thảo luật đề cập đến phạm vi bảo vệ nguồn nước.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu cho rằng, dự thảo có đề cấp đến trách nhiệm quản lý nước sinh hoạt, nước tưới tiêu, nước công nghiệp… nhưng lĩnh vực này đều thuộc các luật chuyên ngành do các bộ chuyên ngành quản lý.

Nếu giữ tên luật như Chính phủ trình dễ dẫn tới chồng chéo trong quản lý, không bám sát yêu cầu trong Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tên dự thảo luật sẽ giúp định vị phạm vi sửa đổi của luật tốt hơn, đề nghị Quốc hội cần xem xét, cho ý kiến.

Nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vẫn là tài nguyên nước

Khoản 2 Điều 1 về phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật quy định: “Nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này”. Theo đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, quy định như dự thảo luật, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này mà điều chỉnh ở Luật Khoáng sản năm 2010.

Đại biểu Tráng A Dương cho rằng, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vẫn là tài nguyên nước, tồn tại ở các tầng chứa nước dưới đất và có khả năng tái tạo không như các loại khoáng sản khác. Trong khi các quy định của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) bao hàm tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng nước dưới đất.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Vì vậy, đại biểu đề nghị đưa nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật để đảm bảo thống nhất quản lý về tài nguyên nước như đã nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 của dự thảo luật.

Ngoài ra, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên là loại tài nguyên nước có giá trị cao và có khả năng tái tạo nên cần có quy định cụ thể, nhằm tạo thuận lợi trong khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này để phục vụ nhu cầu sức khỏe của Nhân dân và phát triển dịch vụ, du lịch, tăng thu cho ngân sách.

Quy định chặt chẽ hơn về các hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông

Ngoài ra, một số đại biểu quan tâm cho ý kiến về phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ quy định các hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước không được gây sạt, lở, làm ảnh hưởng xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ và chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự phiên làm việc của Quốc hội chiều 20/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu đề nghị dự thảo luật quy định theo hướng: Các hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước mà gây tác động đến lòng, bờ, bãi sông, hồ và chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đều phải thực hiện quy định trên, chứ không chỉ khi các hoạt động này làm ảnh hưởng xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ và chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước.

Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa

Phát biểu giải trình thêm ý kiến quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cảm ơn và cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, tổng hợp các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo luật.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về quản lý, sử dụng, đặc biệt là an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động rất lớn đến Việt Nam. Việc sửa đổi luật cũng giúp chủ động trong việc tích nước, đảm bảo đủ nước, cấp nước sinh hoạt cho sinh hoạt và sản xuất.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Giải trình về các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các giải pháp sử dụng nước khoa học, tiết kiệm, tiếp cận theo hướng tuần hoàn nguồn nước.

Đối với đề nghị của đại biểu bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với nước nóng, nước khoáng, Bộ trưởng cho biết nội dung này đã được quy định trong Luật Khoáng sản; đối với nước ngầm thuộc đặc quyền kinh tế, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu, cùng với cơ quan liên quan tiến hành thẩm định rà soát nội dung này.

Cơ quan soạn thảo cũng sẽ nghiên cứu cụ thể hóa các quy định về quản lý tài nguyên nước đối với nước ngọt, nước mặt và nước lợ; quy định rõ hơn về các giải pháp phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; rà soát, bổ sung điều chỉnh một số thuật ngữ chuyên ngành đảm bảo đầy đủ, thống nhất, dễ hiểu; nghiên cứu bổ sung các chức năng về phòng chống lũ, điều hòa chống úng chống ngập đô thị; trách nhiệm quản lý, phân cấp phân quyền, tách bạch quản lý nhà nước giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương…

Vũ Cảnh