Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức vào tối ngày 27/10, tại Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn). Sự kiện này được Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa; Đài Phát thanh và Truyền hình Cà Mau.

leftcenterrightdel
 Tượng đài “Con tàu tập kết” nằm trong Dự án “Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc”

Để hướng tới lễ kỷ niệm này, bắt đầu từ ngày 1/9, sẽ có nhiều sự kiện, hoạt động diễn ra. Cụ thể, tối ngày 1/9 sẽ tổ chức cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva (1954-2024). Sự kiện này do UBND TP HCM, tỉnh Thanh Hóa và Đồng Tháp đồng tổ chức và được truyền hình trên Đài Truyền hình TP HCM; Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa; Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp. 

Tổ chức Hội thảo khoa học "Thanh Hóa với đồng bào cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu sắc nghĩa tình". Sự kiện này do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa chủ trì, dự kiến diễn ra cuối tháng 9 đầu tháng 10.

Đặc biệt, Lễ khánh thành công trình lưu niệm đồng bào cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại TP Sầm Sơn, do Thành ủy, UBND TP Sầm Sơn tổ chức thực hiện, dự kiến diễn ra trong ngày 27/10/2024.

Được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, ngày 15/10/1954, cảng Lạch Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn) là địa điểm đầu tiên ở miền Bắc đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết. Dù còn vất vả, nghèo khó nhưng người dân Thanh Hóa lúc đó đã dành tất cả những gì tốt nhất của mình cho đồng bào miền Nam.

Trong 7 đợt (từ 15/10/1954 đến 1/5/1955) đã có 1.869 thương, bệnh binh, 47.346 cán bộ, 5.922 học sinh, 1.443 gia đình cán bộ miền Nam tập kết về Sầm Sơn được Nhân dân Thanh Hóa đón tiếp, chăm sóc tận tình. Thanh Hóa đã lập 12 trạm đón tiếp, động viên các tầng lớp Nhân dân từ miền xuôi đến miền núi đóng góp gỗ, luồng, nứa, lá kè dựng hơn 1.000 gian nhà làm nơi ở tạm, làm trạm xá, bệnh viện; cung cấp hàng ngàn con trâu, bò, lợn; hàng vạn con gà, vịt, hàng chục ngàn bộ quần áo, chăn, màn, áo ấm,... kịp thời phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đời sống của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết.

Xuất phát từ nguyện vọng các cựu cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam (trong đó có một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước) đã có thời kỳ học tập, làm việc trên đất Bắc nói chung, Sầm Sơn nói riêng. Năm 2014, nhân kỷ niệm 60 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất giao cho TP Sầm Sơn bố trí quỹ đất để xây dựng Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Dự án được xây dựng gần cảng Hới, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, khởi công xây dựng vào tháng 8/2022; thực hiện trên quy mô hơn 40.000 m2, do UBND TP Sầm Sơn làm chủ đầu tư. Công trình có tổng vốn gần 255 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 76 tỉ đồng, vốn ngân sách TP Sầm Sơn và các nguồn huy động xã hội hóa khác gần 180 tỉ đồng.

Đinh Huê