leftcenterrightdel
 Quang cảnh cuộc làm việc (ảnh: VPQH cung cấp).

Dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà Nguyễn Hải Ninh…

Qua báo cáo của tỉnh và đánh giá của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Khánh Hoà đã khắc phục khó khăn, đạt nhiều thành tựu trên nhiều mặt. Trong năm 2023, tỉnh đã đạt và vượt kế hoạch 20/22 chỉ tiêu kinh tế, xã hội (5/5 chỉ tiêu kinh tế, 11/12 chỉ tiêu xã hội, 4/5 chỉ tiêu môi trường). Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 60.158 tỉ đồng (2,5 tỉ USD), tăng 10,35% (đứng thứ 4 cả nước và là năm thứ hai dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung), đưa tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2023 đạt 8,15%/năm (kế hoạch là 7,5%/năm). Quy mô nền kinh tế lần đầu vượt 100 nghìn tỉ đồng (đạt 108.969 tỉ đồng (4,6 tỉ USD). Thu ngân sách nhà nước đạt 18.012,7 tỉ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,69%; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.750,1 triệu USD, tăng 5,9%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 71.302,8 tỉ đồng. Thu hút được 17 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký khoảng 100.865,7 tỉ đồng.

Cùng với đó, tỉnh Khánh Hoà cũng đạt kết quả ấn tượng trong công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện (PCI xếp thứ 16, tăng 28 bậc; PAPI xếp thứ 16, tăng 24 bậc; PAR-Index xếp thứ 25, tăng 23 bậc...) và đang tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh cũng gặp phải một số khó khăn, tồn tại như một số đồ án quy hoạch lớn chậm tiến độ so với kế hoạch; chỉ tiêu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng chưa đạt mục tiêu; công tác chuyển đổi số còn hạn chế; việc triển khai Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa còn một số khó khăn, vướng mắc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh và ý kiến bộ, ngành cũng góp ý về những vấn đề đang được tỉnh quan tâm, đó là, Khánh Hòa cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý đối với việc quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, khai thác hiệu quả tài nguyên biển và xây dựng kế hoạch triển khai các quy định về hoạt động lấn biển ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hoạt động lấn biển.

Các ý kiến cho rằng, tỉnh ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển 3 vùng động lực (khu vực vịnh Vân Phong; thành phố Nha Trang; khu vực vịnh Cam Ranh) và 4 hành lang kinh tế (hành lang kinh tế Bắc-Nam; hành lang kinh tế Đông-Tây; hành lang Nha Trang-Diên Khánh- Khánh Vĩnh; hành lang Cam Ranh-Cam Lâm-Khánh Sơn) tạo sự đột phá, lan tỏa mạnh mẽ…

Qua nghe Báo cáo của tỉnh và theo dõi tình hình thực tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Đoàn công tác ghi nhận và đánh giá cao, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đoàn kết, nỗ lực, vượt qua các khó khăn, thách thức, triển khai toàn diện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, đạt nhiều kết quả tích cực…

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, chưa bao giờ Đảng và Nhà nước ban hành nhiều văn bản, chủ trương, cơ chế, chính sách cho tỉnh Khánh Hòa như trong thời gian vừa qua. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đối với Khánh Hòa; đồng thời, cũng là giao trách nhiệm cho Đảng bộ và chính quyền tỉnh Khánh Hòa.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại cuộc làm việc (ảnh: VPQH cung cấp).

Cụ thể, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết số 58/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Nghị quyết số 92/2023/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận (đường liên vùng Yang Bay-Tà Gụ) với số kinh phí hàng chục nghìn tỉ đồng giải ngân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Cơ bản nhất trí với với phương hướng, nhiệm vụ mà tỉnh Khánh Hòa đã xác định trong năm 2024, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm nay phải là thời gian tỉnh tăng tốc phát triển, tạo nền tảng cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội XIV của Đảng. Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn để tiếp tục đạt nhiều thành tựu hơn nữa, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025, lập thành tích thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2/4/1975-2/4/2025).

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Khánh Hòa nỗ lực cố gắng sớm hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu đến năm 2030, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước; đến năm 2050, trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Khánh Hòa cần chuẩn bị tốt việc tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2025; tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết.

Các nội dung cần quan tâm khác là cần tập trung rà soát các luật, Nghị quyết do Quốc hội vừa ban hành để triển khai phần việc được giao. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh cần phối hợp Ban cán sự đảng UBND tỉnh rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Khánh Hòa cần tập trung thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh; phù hợp quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và tăng cường liên kết vùng, theo đúng định hướng kinh tế biển là nền tảng, có bước đột phá; bên cạnh đó quan tâm phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn… Theo Chủ tịch Quốc hội, mục tiêu, định hướng phát triển đã rõ, vấn đề quan trọng là tỉnh cần có các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện thật cụ thể.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị tỉnh tập trung phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, cảng biển, dịch vụ logistic; hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số để phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, quan tâm phát triển nguồn nhân lực để thu hút các nhà đầu tư có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển…

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu tỉnh Khánh Hòa cần chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục, y tế; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phấn đấu năm 2024, đưa huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đạt các tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo và gợi ý hướng phát triển 2 huyện này theo hướng “tiểu đô thị sinh thái núi rừng”…

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Khánh Hòa, đại diện các bộ, ngành, cơ quan đã có ý kiến trao đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện tối đa cho địa phương. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương xem xét, quyết định…

Trước đó vào sáng cùng ngày 2/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng dự buổi Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045.

Diên Hồng