|
|
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 1/11 (ảnh: VPQH cung cấp). |
Cần có chính sách giải quyết việc làm cho người lao động hiệu quả hơn
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản thống nhất với các Báo cáo của Chính phủ trình và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội. Đề cập về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đại biểu thống nhất việc đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư phát triển bố trí cho các dự án đầu tư của Chương trình đến hết năm 2024.
|
|
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp). |
Đại biểu cho rằng, nếu giải ngân tốt các nội dung của Chương trình thì sẽ có tác dụng rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên hiện việc giải ngân vốn của Chương trình còn khá chậm, đến ngày 30/9 mới đạt 28,9% kế hoạch vốn được giao.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hỗ trợ kinh doanh lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỉ thông qua hệ thống ngân hàng thương mại không hỗ trợ lãi suất, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này. Đồng thời cần làm rõ trách nhiệm trong việc triển khai kết quả thực hiện còn hạn chế.
Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp và việc làm cho người lao động, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho biết, bình quân 1 tháng có 15.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong khi số doanh nghiệp mới thành lập có số có xu hướng giảm về số vốn đăng ký và lao động. Số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ, lao động khu vực phi chính thức còn lớn, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên theo báo cáo của Chính phủ còn khá cao. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá sát tình hình này kịp thời, quan tâm có giải pháp chấn chỉnh tình trạng doanh nghiệp giải thể, phá sản, rút ru khỏi thị trường và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động hiệu quả hơn.
Tạo cơ sở pháp lý bảo vệ người dám nghĩ, dám làm
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong đó có hạn chế do tổ chức điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao của bộ máy nhà nước. Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu làm rõ hơn nguyên nhân chủ quan tác động đến hạn chế này, bởi yếu tố con người là quan trọng nhất. Đây là nguyên nhân căn cơ để đưa ra các cái giải pháp khắc phục hạn chế và nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ công vụ của cán bộ công chức, viên chức.
|
|
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp). |
Liên quan đến nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, đại biểu rất mừng vì thời gian qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, đây là Nghị định, không thể thay thế điều chỉnh các quy định của luật, vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu sửa đổi pháp luật, trong đó có Luật Công chức và Luật Viên chức.
Cần đảm bảo chuẩn đầu ra trong giáo dục nhân lực y tế
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, trong 10 năm trở lại đây, số lượng cơ sở đào tạo nhân lực y tế tăng nhanh. Bối cảnh tương lai cho thấy vẫn sẽ có sự thiếu hụt nhân lực y tế, con người là yếu tố cốt lõi của sự phát triển, các trường đào tạo y tế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành y tế.
|
|
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp). |
Đại biểu cho biết, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn nhiều hạn chế và thách thức với các cơ sở đào tạo nhân lực y tế hiện nay. Cụ thể, số sinh viên quá đông, chi phí đào tạo thấp, cơ hội thực hành hạn chế, chương trình, phương pháp đào tạo chưa hiện đại, hệ thống kiểm định chất lượng chưa hình thành, đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo, công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên.
Đại biểu đề nghị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, kiên quyết ngừng tuyển sinh với các trường không đủ điều kiện, quy trịnh các trường đào tạo khối ngành sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn kiểm định chậm nhất vào năm 2026, đối với các trường đào tạo trình độ đại học, đặc biệt là trường đào tạo bác sĩ phải đạt kiểm định khu vực và quốc tế để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Ngoài ra, cần quy định các điều kiện chuyên môn đặc thù của khối ngành sức khỏe trong tổ chức đào tạo, đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trong suốt quá trình, từ khâu đầu vào đến quá trình đào tạo, đến khâu đầu ra. Cần xây dựng bộ tiêu chí kiểm định chất lượng đào tạo y tế đặc thù cho các ngành đào tạo nhân lực y tế, đảm bảo chuẩn đầu ra trong giáo dục nhân lực y tế, từng bước chuẩn hóa chất lượng đào tạo trong các trường đào tạo y tế.
Lỗ hổng trong công tác quản lý “chung cư mini”
Quan tâm đến công tác quản lý chung cư mini, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nêu thực tế đang thiếu hành lang pháp lý quản lý chung cư mini, những lỗ hổng về hệ thống pháp luật đã dẫn đến lỗ hổng trong công tác quản lý “chung cư mini”.
|
|
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp). |
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, thực trạng quy định của pháp luật hiện hành về loại hình nhà ở này rất lỏng lẻo, trong đó khoản 2 Điều 46 của Luật nhà ở hiện hành có dành một khổ để mô tả về loại hình nhà ở này, nhưng không rõ về tiêu chuẩn về quy chuẩn cũng như về yêu cầu quản lý, thậm chí định danh cũng không thực sự rõ ràng.
Trong khi đó, cả xã hội gọi sản phẩm này là “chung cư mini” - một thuật ngữ không có trong luật. Chính vì quy định lỏng lẻo như vậy dẫn đến thiếu hành lang pháp lý phù hợp, gây lúng túng trong quản lý, gây áp lực cho hạ tầng đô thị và đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sự an toàn của người dân.
Đại biểu cho rằng, cần phải khẳng định, sự ra đời của các “chung cư mini” thời gian vừa qua đã đáp ứng nhu cầu của nhiều người dân có mức thu nhập trung bình, thấp. Mặc dù khi mua các căn hộ này, người dân cũng cảm nhận được nguy cơ mất an toàn nhưng tin rằng là điều đó sẽ không xảy ra và điều này càng cho thấy thị trường đang thiếu trầm trọng sản phẩm nhà ở giá bình dân phù hợp với nhu cầu, túi tiền của phần đông người lao động.
|
|
Các đại biểu tham dự phiên làm việc của Quốc hội sáng 1/11 (ảnh: VPQH cung cấp). |
Đại biểu thể hiện sự thống nhất rất cao với ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội khẳng định, nhu cầu thực tế của người dân cần phải được bảo đảm nhưng dứt khoát không hợp thức hóa những sai phạm của” chung cư mini” ở trong Luật nhà ở.
Từ những phân tích ở trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai những giải pháp ưu đãi để khơi thông nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá bình dân. Chính phủ chỉ đạo các cơ quan đang tiến hành thanh tra, kiểm tra các “chung cư mini” bên cạnh việc kiểm tra để phát hiện vi phạm là cần thiết nhưng qua kiểm tra cũng cần phải hướng dẫn kịp thời cho người dân để có giải pháp phòng ngừa an toàn cháy nổ.
Đồng thời, đại biểu kiến nghị trong nghị quyết của kỳ họp Quốc hội lần này có nội dung yêu cầu về bảo đảm an toàn cháy nổ nói chung trong đó có an toàn cháy nổ đối với các “chung cư mini” đang hiện hữu…