Bài 1: "Thú vui" bạc triệu
Thời gian gần đây, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận xuất hiện nhiều hình thức câu cá giải trí với những mô hình khác nhau nhằm thu hút khách đến câu cá. Mỗi hồ câu đều có “luật” riêng mà người câu phải tuân thủ, nếu không sẽ bị đuổi ra khỏi hồ và vĩnh viễn không được đến câu nữa.
Lắm công phu
Trong một lần tình cờ, tôi được một nhóm cần thủ rủ đi giải trí bằng hình thức câu cá. Vốn không rành và không hứng thú gì với trò câu cá nên tôi tỏ vẻ ngần ngại, thấy vậy, Tuấn Khanh – một cần thủ trong nhóm nói: “Chú cứ đi thử cho biết, nhiều trò vui và thú vị lắm”. Theo Tuấn Khanh, để đi câu thì phải chuẩn bị 3 thứ là cần, mồi và tiền câu. Trong đó, cần câu rất quan trọng, quyết định lớn đến kết quả câu. Bởi vậy, nhiều cần thủ đã mạnh dạn “xuống tay” mua cây cần với giá cả trăm triệu đồng để đi câu. Song, thứ quan trọng nhất lại là mồi câu, là khâu chuẩn bị công phu nhất trong các công đoạn. Nói về việc chuẩn bị mồi, Tuấn Khanh cho biết: “Để câu được cá thì mồi phải bén, ngon và thơm thì cá mới cắn câu. Mỗi người sẽ có một cách làm mồi khác nhau, nhưng mồi phải có nhiều thành phần và có mùi vị đặc trưng riêng để kích thích cá. Tất nhiên, để làm được mồi câu ưng ý thì số tiền bỏ ra không phải là rẻ, đôi lúc một “chậu mồi” có giá lên đến cả triệu đồng”.
|
|
Một góc hồ câu cá giải trí trên địa bàn quận 12, TP. Hồ Chí Minh |
Nhóm chúng tôi rời địa điểm và đến một hồ câu trên địa bàn phường Thạnh Xuân (Q.12, TP. Hồ Chí Minh). Đến nơi, sau màn chào hỏi ghi số xe, hai cần thủ trong nhóm đi tới chỗ chủ hồ đang ngồi và nói “cho hai vé”, ngay lập tức, chủ hồ cầm bút ký vào hai tờ phiếu rồi đưa cho cần thủ, trong phiếu ghi số thứ tự cùng vị trí đặt cần câu. Tiếp tục đi sâu vào trong, một hồ câu rộng gần 2000m2 hiện ra, ở giữa hồ đặt một ống nhựa dài phân chia ranh giới thành hai tuyến câu. Dọc hai bên hồ là một dãy chòi lá đặt nhiều bàn, ghế nhựa cho khách ngồi câu. Xung quanh mép hồ có hàng trăm “lỗ câu” được đặt cách nhau chừng 1,3m để người câu đặt “que đỡ” cho cần. Khi chúng tôi vào thì trên hồ đã có chừng vài chục cần thủ đang “xuống cần” ngồi chờ cá cắn câu.
Nhiều “chiêu trò” biến tướng
Để thu hút khách đến câu, ngoài việc hồ câu phải liên tục thay cá mới thì chủ hồ còn đặt ra nhiều quy định và luật chơi khác nhau nhằm tăng sức hấp dẫn cho các cần thủ. Tùy vào mỗi hồ câu mà cách thức và mức tiền câu được quy định cụ thể, rõ ràng cho các cần thủ lượng sức “thi thố”.
Tại hồ này, theo quy định của chủ hồ, để tham gia câu mỗi cần thủ sẽ phải chịu mức phí là 100.000đồng/4 tiếng, mỗi tiếng tiếp theo sau đó được tính cộng thêm 20.000 đồng. Cần thủ nào câu được cá thì có thể mang về hoặc bán lại cho chủ hồ với giá 15.000đồng/kg. Ngoài ra, hồ câu này còn quy định: Nếu trong mỗi tiếng câu, cần thủ nào câu được con cá to nhất sẽ được hưởng 80.000 đồng (hay còn gọi là tiền xôi). Bởi vậy mà trong mỗi tiếng, cần thủ nào cũng cố gắng câu được cá nặng hơn để “đè” người đã câu được cá trước nhằm ăn “xôi”. Nói về điều này, Hải Minh – một cần thủ có “thâm niên” cho biết: “Nói câu cá giải trí cho vui vậy chứ thật ra là thi thố và mang tính sát phạt nhau. Ai cũng muốn câu được nhiều cá và cá có trọng lượng cao để kiếm tiền. Thử tính xem, mỗi tiếng mình câu mất 25 ngàn nhưng nếu câu được cá lớn nhất, ngoài tiền tính theo số kg của cá còn được thêm 80 ngàn, vậy không phải câu “cơm gạo” thì là gì”, Hải Minh phân tích.
Bởi việc câu cá mang tính ăn thua như thế nên hầu hết các cần thủ đến hồ câu đều là những “tay câu” lão luyện. Theo Hải Minh thì để câu được cá đòi hỏi nhiều kỹ năng như: Biết canh hướng nắng, hướng gió, dòng chảy của nước và phải biết nhận định cá bơi dựa theo sủi bọt tăm trên mặt hồ. Tôi đang nghe nói thì phía bên kia hồ một cần thủ hét lên “ben cần” (nghĩa là cá cắn câu). Ngay lập tức, cần thủ chạy đến giật cần và cuộn dây câu, một người từ phía trong cầm vợt đi ra vớt cá lên. Kế đó là những tiếng vỗ tay reo hò khi thấy cá được kéo lên bờ. Cá bắt lên được bỏ vào một chiếc túi rồi treo lên cân điện tử. Tiếp sau đó là tiếng loa vọng ra từ phía trong chủ hồ thông báo cho các cần thủ biết số cân nặng của con cá vừa mới câu được. Thấy cần mình vẫn im lìm, nhiều cần thủ khác nôn nóng chạy ra thay mồi đợi chờ may mắn.
Nói thêm về trò câu cá giải trí này, một cần thủ tiết lộ: “Nếu trò câu cá giải trí chỉ dừng lại ở đó thì chẳng có gì là thú vị”. Theo cần thủ này cho biết, để tăng sức hấp dẫn và độ sát phạt, các cần thủ sẽ “cáp”(cá độ) với nhau. Theo đó, trong mỗi tiếng câu, các cần thủ sẽ tham gia đặt cược với nhau, người nào câu được cá nặng hơn sẽ thắng độ. Tất nhiên, cuộc đặt cược này sẽ được thông qua chủ hồ. Trước mỗi tiếng, chủ hồ sẽ thu tiền và viết phiếu cược cho những cần thủ tham gia đặt cược. Những kiểu đặt cược sẽ muôn vàn, muôn vẻ và số tiền có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Đó là điều không thể thiếu trong “thú vui tao nhã” này”, một cần thủ nhận định.
(Còn nữa)
Nam Phong