leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 30/5 (ảnh: VPQH cung cấp).

Kiến nghị mở rộng thêm đối tượng được công nhận liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, để kịp thời hoàn thiện chương trình xây pháp luật năm 2025 đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc sống, đại biểu đề nghị bổ sung vào chương trình năm 2025 nội dung sửa đổi điều chỉnh 2 pháp lệnh. Đó là, pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Pháp lệnh Người có công với cách mạng.

Đại biểu cho rằng, đối với pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua năm 1994, được sửa đổi, bổ sung bởi pháp lệnh Số 05 ngày 20/10/2012 đã thể hiện được sự tri ân có ý nghĩa rất thiêng liêng, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện pháp lệnh và các văn bản liên quan đã bộc lộ một số bất cập, không phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, nếu chiếu theo quy định tại Điều 2 của pháp lệnh các bà mẹ có con hi sinh trong thời bình hiện nay cũng rất khó đủ các điều kiện để được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự này (Điều 2 của pháp lệnh quy định: Có 2 con trở lên là liệt sĩ; Chỉ có 2 con mà một con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ).

Theo đại biểu, với quy định chính sách dân số của Đảng và nước ta hiện nay mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con, việc một người con là liệt sĩ cũng là nỗi đau không gì bù đắp nổi và cũng xứng đáng để được tri ân và tôn vinh.

“Tôi đề nghị quy định cần mở rộng điều chỉnh đối với những bà mẹ có con là liệt sĩ và bản thân cũng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước thời bình” - đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị.

Cụ thể, đại biểu đề nghị sửa đổi Điều 2 của pháp lệnh như sau: "Có con là liệt sĩ, bản thân có đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới” vào đối tượng được xét hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng để đáp ứng với yêu cầu, nguyện vọng và kịp thời động viên, xoa dịu nỗi đau của thân nhân liệt sĩ…

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Đối với Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, đại biểu cho biết, đây là một chính sách đặc biệt của Đảng và Nhà nước nhằm tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, trong quá trình tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân thì có nhiều phản ánh trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, nhiều người đã hi sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng đối chiếu với các quy định hiện nay của Pháp lệnh Ưu đãi người có công và các văn bản pháp luật liên quan thì không nằm trong đối tượng công nhận là liệt sĩ. Chính vì thế, nhiều công dân cũng đeo đẳng nhiều năm vì những sự việc có nội dung như trên.

“Xét thấy hiện nay số lượng thân nhân của người hi sinh thuộc đối tượng này cũng không còn nhiều, nhưng để kịp thời ghi nhận, tri ân đối với người đã hi sinh và an ủi các gia đình có thân nhân bị chết trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, tôi đề nghị xem xét để sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công cách mạng” - đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.

Cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung, sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 14 về điều kiện tiêu chuẩn công nhận liệt sĩ như sau: "Người hi sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ được tổ chức phân công và phục vụ chiến đấu tại địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng tính từ ngày 30/4/1975 trở về trước".

Những nội dung luật liên quan đến y tế và sức khỏe còn quá ít

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội bày tỏ sự nhất trí cao về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh điều chỉnh năm 2024 và kế hoạch năm 2025. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, những nội dung luật liên quan đến y tế và sức khỏe còn quá ít.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

“Cụ thể là Luật Dược sẽ được thông qua ở kỳ 8 và Luật Chuyển đổi giới tính thì cho ý kiến, còn kỳ 9 của năm 2025 thông qua Luật Chuyển đổi giới tính còn không có một nội dung nào khác, không biết tôi đọc có bị sót không. Tôi đọc đi đọc lại thì thấy không có, giữa lúc đấy thì những vấn đề về y tế, sức khỏe thì hết sức quan trọng” – đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ.

Trên phân tích đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị, về vấn đề sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 để bổ sung nội dung về thuốc lá mới. “Tôi gọi là thuốc lá mới bao gồm cả thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tất cả các loại khác” - đại biểu Nguyễn Anh Trí giải thích.

Đại biểu cho biết, Bộ Y tế đang chuẩn bị bộ tài liệu, hồ sơ để trình Chính phủ xin được sớm có một nghị quyết trước lúc chờ Quốc hội sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đại biểu cho biết, ông đã đọc bộ hồ sơ này và thấy rất chu đáo, rất đầy đủ.

“Cho nên, một lần nữa tôi tha thiết đề nghị Quốc hội sớm sửa Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá theo quy trình rút gọn ở một kỳ họp mà cụ thể là kỳ họp thứ 8 để đưa ngay nội dung phòng, chống tác hại thuốc làm mới vào luật này” - đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số hóa già nhanh chóng nên đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tích cực chuẩn bị và đề nghị Quốc hội sắp xếp chương trình cho việc xây dựng Luật Dân số càng sớm càng tốt.

Cùng với đó, đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội đôn đốc Chính phủ và sắp xếp chương trình để sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế năm 2028 để làm cho bảo hiểm y tế đóng góp tốt hơn, thuận tiện hơn, hiệu quả hơn cho việc khám, chữa bệnh của người có bảo hiểm y tế của Nhân dân.

Cuối cùng, đại biểu cho biết, vấn đề ghép tạng ở Việt Nam đang rất khởi sắc, bao gồm ghép thận, gan, ghép tụy, tế bào gốc, ghép phổi, da, giác mạc. Tuy nhiên, với sự tiến bộ như vũ bão của y học, sự thay đổi nhiều của nhận thức, sự tăng cao của nhu cầu có mô tạng để ghép nên Luật Hiến ghép mô tạng năm 2006 đã rất cần được thay đổi. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Quốc hội đưa vào chương trình những năm gần đây để sửa đổi luật này…

Cần sớm sửa đổi Luật Hoạt động chữ thập đỏ để xử lý nghiêm những hành vi vụ lợi

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, Luật Hoạt động chữ thập đỏ được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 3/6/2008, có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2009. Luật đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoạt động nhân đạo, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, có tính khả thi, kịp thời và phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hoạt động nhân đạo…

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Tuy nhiên, qua hơn 15 năm thực hiện, luật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập như một số quy định còn chung chung, chưa quy định cụ thể rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động chữ thập đỏ, chưa có quy định về chế tài xử lý vi phạm biểu tượng chữ thập đỏ sai mục đích...

Bên cạnh đó, các trường hợp lợi dụng hoạt động chữ thập đỏ để vụ lợi chưa có quy định phù hợp để khắc phục thực trạng chồng chéo, trùng lặp trong vận động quyên góp tiền, hiện vật, nguồn lực khác vào trợ giúp hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; chưa có quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thành lập các cơ sở phục vụ hoạt động chữ thập đỏ…

Trong bối cảnh đó và trước nhu cầu của tình hình mới, theo đại biểu, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động chữ thập đỏ để khắc phục các hạn chế, bất cập nêu trên.

“Từ những nội dung nêu trên, tôi đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét đưa Luật Hoạt động chữ thập đỏ (sửa đổi) bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 thay vì năm 2026 như đề nghị của Chính phủ. Cụ thể, đề nghị trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tháng 5/2025 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10 tháng 10/2025” - đại biểu Nguyễn Hải Anh kiến nghị.

Diên Hồng