Cần thiết phải có Luật Biên phòng Việt Nam
Theo Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là cần thiết, bởi trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc; xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luật như:“Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”,“Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”…
Bên cạnh đó, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) ra đời cách đây hơn 20 năm trong điều kiện, bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác với hiện nay. Pháp lệnh chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến BĐBP, chưa đề cập đến các chủ thể khác trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.
|
|
Đại tướng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình dự án Luật biên phòng Việt Nam. |
Hiện nay, hoạt động trên biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu có nhiều lực lượng thuộc các bộ, ngành với nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, thực tế thực thi nhiệm vụ biên phòng còn những hạn chế, bất cập; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương, lực lượng nòng cốt, chuyên trách với các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới, cửa khẩu chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Thực tiễn hơn 60 năm qua, BĐBP đã và đang áp dụng có hiệu quả các hình thức, biện pháp công tác biên phòng nhưng chưa được luật hóa; việc tổ chức xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia chưa được quy định cụ thể nên thiếu cơ sở pháp lý để các cơ quan, lực lượng chức năng và Bộ đội Biên phòng trong thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.
Cơ bản nhất trí
Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Biên phòng Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, Uỷ ban QPAN cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam, nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (sau đây gọi là Nghị quyết số 33-NQ/TW), quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của BĐBP nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh BĐBP, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, lý do ban hành Luật nêu trong Tờ trình chưa quán triệt đầy đủ quan điểm tại Nghị quyết số 33-NQ/TW mà mới triển khai xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Vì vậy, cần tổng kết, đánh giá để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Biên giới quốc gia, pháp luật khác có liên quan; quy định đầy đủ, cụ thể các chính sách mới và nội hàm của Luật Biên phòng Việt Nam cho phù hợp quan điểm của Đảng và yêu cầu thực tiễn.
UBQPAN cho rằng, hồ sơ dự án Luật cơ bản bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9. Tuy nhiên, đây là một đạo luật mới nên cần đánh giá kỹ 3 nhóm chính sách được xác định trong Báo cáo đánh giá tác động để làm rõ mục đích, yêu cầu xây dựng luật; lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, đánh giá việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan và cung cấp thêm thông tin về pháp luật, kinh nghiệm của một số nước trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Cần làm rõ một số chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng
Về tính hợp hiến, sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi, UBQPAN cho biết, một số ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo Luật cơ bản đã cụ thể hóa được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các quy định của dự thảo Luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trùng lắp, chưa phân định rõ ràng với Luật Biên giới quốc gia, nên không bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi.
Uỷ ban QPAN cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ nhiệm vụ biên phòng và nhiệm vụ của BĐBP, vì nhiệm vụ biên phòng là của cả hệ thống chính trị để tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, ngành, lực lượng.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc nhiệm vụ của BĐBP “tổ chức quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia” tại khoản 1 và “tổ chức thực thi pháp luật về biên giới quốc gia” tại khoản 3, vì còn nhiều lực lượng có liên quan khác có trách nhiệm thực hiện các quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
|
|
Các ĐBQH tại phiên họp sáng nay. |
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, nhiệm vụ của BĐBP “kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định pháp luật” tại khoản 4 chồng chéo với thẩm quyền của Hải quan, dễ gây hiểu là BĐBP kiểm soát toàn bộ người, phương tiện, hàng hóa, nên đề nghị quy định cụ thể về đối tượng kiểm soát; cân nhắc cụm từ “nòng cốt” tại khoản 8 và khoản 9 cho phù hợp với nhiệm vụ của các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng…
Trên cơ sở 3 chính sách đã xác định và đánh giá tác động của dự án Luật Biên phòng Việt Nam được Chính phủ, Quốc hội nhất trí thông qua. Dự thảo Luật gồm 7 chương, 33 điều, cụ thể:
- Chương I. Những quy định chung, gồm 04 điều (từ Điều 1 đến Điều 4);
- Chương II. Nhiệm vụ biên phòng, lực lượng và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng, gồm 05 điều (từ Điều 5 đến Điều 9);
- Chương III. Hợp tác quốc tế về biên phòng, gồm 03 điều (từ Điều 10 đến Điều 12);
- Chương IV. Lực lượng Bộ đội Biên phòng, gồm 09 điều (từ Điều 13 đến Điều 21);
- Chương V. Bảo đảm và chế độ, chính sách về biên phòng, gồm 04 điều (từ Điều 22 đến Điều 25);
- Chương VI. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng, gồm 07 điều (từ Điều 26 đến Điều 32);
- Chương VII. Điều khoản thi hành: 01 điều (Điều 33).
|