leftcenterrightdel
 Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội.

Đây là phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại Hội thảo Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, do UBND TP Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh đồng tổ chức, diễn ra ngày hôm nay (17/1).

Cũng theo ông Trần Sỹ Thanh, thời gian vừa qua, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã và đang dành nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, hoàn thiện cơ chế, chính sách; tìm hiểu, học tập những kinh nghiệm, phương thức mới, “đột phá” nhằm triển khai đồng bộ và sớm hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, đáp ứng nhu cầu và sự mong mỏi của người dân hai thành phố.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hội thảo hướng tới 3 mục tiêu. Một là, trao đổi, nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế từ các nước có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông công cộng phát triển, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị.

Hai là, tổng hợp các kinh nghiệm trong nước và quốc tế để nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị, đất đai, đầu tư, quản lý, vận hành và khai thác đường sắt đô thị;

Ba là, tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo 5 nhóm lĩnh vực trọng yếu…

Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung trao đổi 5 chủ đề chính gồm: quy hoạch, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; thu hút nguồn lực từ đất đai; tiêu chuẩn kỹ thuật-công nghệ cho đường sắt đô thị; và mô hình quản lý, tổ chức thực hiện dự án đường sắt đô thị.

Trong đó, trọng tâm là trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); mô hình TOD cùng với các công cụ thu hồi giá trị gia tăng từ đất (LVC).

Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) được định nghĩa là một mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm, tăng khả năng, sự thuận tiện cho người dân tiếp cận các điểm trung chuyển, các ga đường sắt đô thị, qua đó, giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường.

Còn theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035. Theo đó, 2 thành phố phải hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị trong 12 năm tới.

“Đây là thách thức vô cùng to lớn đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân ở 2 thành phố. Nếu với cách tiếp cận triển khai và cách làm tương tự như trong thời gian vừa qua thì chắc chắn không thể thực hiện được mục tiêu này”,  ông Bùi Xuân Cường khẳng định.

Do đó, lãnh đạo UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã xác định, cần tiếp tục tăng cường sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong triển khai chủ trương nêu trên của Bộ Chính trị đối với 2 thành phố trong thời gian tới.

Để thực hiện được mục tiêu tại Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị đòi hỏi 2 thành phố phải quyết tâm lãnh đạo để thực hiện quyết liệt, toàn diện, mạnh mẽ và đột phá trên các lĩnh vực, cần có sự phối hợp để triển khai hiệu quả trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị, đặc biệt là gắn với mô hình TOD.

leftcenterrightdel
Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển mạnh mẽ đường sắt đô thị theo mô hình TOD là tạo nền tảng xây dựng nền kinh tế với sức cạnh tranh cao.

Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ về mô hình TOD trong phát triển đường sắt đô thị ở góc độ toàn cầu, góc độ các quốc gia, thành phố đã áp dụng rất thành công như Paris - Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore...

GS. Akash Deep, Giảng viên cao cấp về chính sách công, trường Harvard Kennedy, Đại học Harvard đã giới thiệu về Mô hình đường sắt kết hợp cùng bất động sản của Hongkong, Trung Quốc, giới thiệu về hệ thống MRT, phân tích tuyến South Island; trình bày khái niệm về thu giá trị từ đất, phương pháp thu giá trị đất dựa trên phát triển và các phương pháp tính thuế/phí theo giá trị đất.

Còn theo GS Vũ Minh Khương - Học viện Hành chính công Lý Quang Diệu, việc phát triển mạnh mẽ đường sắt đô thị theo mô hình TOD là tạo nền tảng xây dựng nền kinh tế với sức cạnh tranh cao dựa trên lợi thế quy mô, đa dạng và sức mạnh cộng hưởng; tăng hiệu quả và tính tinh gọn trong phát triển đô thị, giảm sự bức bách phải mở rộng đô thị một cách tràn lan thụ động, giảm rõ rệt chi phí đầu tư hạ tầng, tăng nhu cầu, hiệu quả, và nguồn thu cho vận tải công cộng.

Đồng thời, giảm tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm khí thải; tăng năng suất xã hội khi giảm chi phí của người dân cho việc đi lại hàng ngày, tăng cơ hội việc làm, tăng giá trị của bất động sản và cảnh quan đô thị, tăng hiệu quả ngành thương mại bán lẻ và dịch vụ thông qua phát triển các trung tâm mua sắm và dịch vụ xung quanh các nhà ga…

Đưa ra một số đề xuất về ưu tiên hành động cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, GS Vũ Minh Khương nhấn mạnh sự cần thiết nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng và tính cấp bách chiến lược của phát triển đường sắt đô thị.

Theo đó, cần coi phát triển đường sắt đô thị là một nhiệm vụ không chỉ có tính kinh tế mà cả an ninh quốc phòng; chú trọng thu hút sự tham gia sâu rộng của các bộ, ngành và toàn xã hội, đặc biệt là khối doanh nghiệp và chuyên gia trong nước và quốc tế trong thảo luận về chiến lược thực hiện nỗ lực này. Hơn nữa, việc thành công trong phát triển nhanh chóng hệ thống đường sắt đô thị có tác động cực kỳ lớn trong nâng cao khả năng của Việt Nam trong thu hút đầu tư có hàm lượng tri thức lớn và tăng nhanh năng suất lao động.

Đồng thời, ông đưa ra kiến nghị mỗi thành phố nên bắt tay vào 1-2 tuyến thử nghiệm với các tiêu chí như tính khả thi cao, tác động lớn, tốn phí thu hồi đất thấp; quan tâm của các nhà đầu tư, giá trị học hỏi cho các dự án tiếp theo, thời gian hoàn tất các dự án thử nghiệm này là trước 2030, chú trọng 3 tiêu chí lớn là chất lượng; giá thành; tiến độ thực hiện.

Ông Đặng Huy Đông, Chủ tịch Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển cho rằng mục tiêu “hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035”, theo quy hoạch phê duyệt là khoảng 200km mỗi TP được nêu tại Kết luận 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nhiệm vụ rất khả thi nếu có tư duy mới thực sự đột phá; cùng một khung khổ pháp lý mới, “may đo” riêng cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vượt trội so với các quy định về quy hoạch, đất đai, đầu tư, tài chính, xây dựng, giao thông, doanh nghiệp, tiêu chuẩn, quy chuẩn… tiệm cận với cơ chế phổ biến của các nước đã phát triển thành công hệ thống Metro/TOD.

Do vậy, ông cho rằng, cần có một số cơ chế cụ thể như phân cấp, ủy quyền cho TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh TP được ban hành các tiêu chí và tiêu chuẩn về đô thị riêng cho mỗi TP, cũng như trình tự thủ tục riêng về điều chỉnh các quy hoạch của Thủ đô/TP để điều chỉnh quy hoạch Thủ đô/TP và quy hoạch chung Thủ đô/TP liên quan đến hệ thống đường sắt đô thị gắn liền với phát triển chỉnh trang đô thị lân cận các nhà ga (TOD) nhằm bảo đảm đáp ứng các mục tiêu về phát triển đô thị xác định tại các Nghị quyết của Trung ương và của mỗi thành phố.

Về kinh phí, theo ông uớc tính cần khoảng 20-25 tỉ USD để hoàn thành xây dựng 200km đường sắt đô thị ngầm hoàn toàn, chưa kể chi phí đền bù giải phóng mặt bằng dự tính lấy từ tiền thu đấu giá quyền đầu tư dự án (TOD), giảm 10 tỉ USD so với đơn giá của các dự án đã làm bằng nguồn vốn ODA hiện nay.

Do vậy, cần cho phép Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được giữ lại tiền thu từ đất để đầu tư trực tiếp cho dự án phát triển hệ thống Metro thông qua đấu giá quyền phát triển dự án khu đô thị TOD theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và các nguồn thu từ đất khác của mỗi TP.

Ngoài ra, cho phép 2 thành phố được phát hành trái phiếu địa phương, trái phiếu công trình hoặc các hình thức huy động vốn hợp pháp khác vượt khung trần nợ công áp dụng cho thành phố theo từng năm và trong cả giai đoạn đến năm 2035,  bảo đảm đủ nguồn vốn cần thiết cho dự án phát triển hệ thống Metro 200km…

Hội thảo khoa học Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 17/1 đến ngày 19/1/2024 tại Hà Nội gồm 4 phiên: Tổng quan phát triển đường sắt đô thị TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo mô hình TOD; Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển đường sắt đô thị và khu vực TOD; Huy động nguồn lực từ đất đai; Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật – công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị.


Minh Nhật