leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Hội nghị chiều 7/9 (ảnh: VPQH cung cấp).

Khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành

Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày cho biết, việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền; xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung. Dự thảo Luật gồm 4 Chương, 63 Điều.

leftcenterrightdel
 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) (ảnh: VPQH cung cấp).

Về quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong phòng, chống rửa tiền cơ bản được kế thừa các quy định tại Luật hiện hành và trên cơ sở luật hóa nội dung phân công trách nhiệm của bộ, ngành tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung).

Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành; sửa đổi, bổ sung trách nhiệm cụ thể một số bộ ngành, bảo đảm phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành và tính thống nhất với quy định pháp luật liên quan.

Một số quy định còn chung chung

Trình bày Báo cáo một số ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật, trong đó, đã tiếp thu, làm rõ trong số 23 khuyến nghị, có 4 khuyến nghị cốt lõi liên quan đến Luật Phòng, chống rửa tiền. 

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo một số ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) (ảnh: VPQH cung cấp).

Về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy định này là cần thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, một số quy định còn chung chung, mang tính nguyên tắc; trách nhiệm quản lý về phòng, chống rửa tiền giữa các bộ, ngành chưa đồng nhất về mặt tiêu chí nội dung hay lĩnh vực; quy định thiếu rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm quản lý, chủ trì, phối hợp.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, cụ thể hóa trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong công tác quản lý, giám sát về phòng, chống rửa tiền theo khuyến nghị của FATF; rà soát, bổ sung trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong dự thảo Luật, phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan cũng như nâng cao tính hiệu quả trong công tác phòng, chống rửa tiền.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước

Góp ý dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho biết, tại Điều 47 về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền, đại biểu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan, đặc biệt giữa Ngân hàng Nhà nước với Tòa án nhân dân tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an, Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng để phòng, chống rửa tiền. Trường hợp cần thiết các cơ quan chức năng thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hạ chuẩn giá trị giao dịch để phục vụ công tác điều tra.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đóng góp ý kiến vào dự án Luật (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh đó, tại Điều 48 về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, đại biểu đề nghị bổ sung 4 khoản: Các ngân hàng phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn về kỹ năng nhận diện, nhận biết về các hành động rửa tiền; Đầu tư cơ sở vật chất để cải thiện và nâng cấp hệ thống lưu giữ chứng từ;  Xây dựng cơ chế sàng lọc các giao dịch tiền mặt lớn và giao dịch tiền mặt nhiều lần, liên tục; Tham mưu Chính phủ xây dựng Bộ nhận diện về hành vi rửa tiền phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó quy định cụ thể số tiền giao dịch phải báo cáo phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.

Cần bổ sung tài sản ảo, tiền ảo vào dự án Luật

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, tại điểm 1 khoản 1 Điều 4 đối với các hoạt động của tổ chức tài chính áp dụng luật này chỉ đề cập đến loại hình kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát và làm rõ các loại hình khác có thể lợi dụng để rửa tiền ngoài loại hình bảo hiểm nhân thọ.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đóng góp ý kiến vào dự án Luật (ảnh: VPQH cung cấp).

Đối với vấn đề lợi dụng tiền ảo để rửa tiền tài trợ khủng bố, đại biểu nêu rõ, hiện nay Nhà nước chưa công nhận tiền ảo, tuy nhiên, hiện nay Việt Nam là một trong những thị trường chơi tiền ảo rất lớn, là một trong mười nước tham gia đông. Đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu đã trở thành kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền.

Đại biểu nêu rõ, thời gian gần đây liên tiếp có những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng, tiền ảo và tài sản ảo vẫn lọt lưới do các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền chưa quy định về vấn đề này.

Do đó, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo Luật là hết sức cần thiết, không chỉ đáp ứng các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên thế giới mà còn nhằm đảm bảo an ninh tài chính trong nước, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền tham nhũng, khủng bố…

Vũ Cảnh