Người dùng báo chí làm công cụ, làm vũ khí sắc bén chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người coi nhà báo như một chiến sĩ, mà chính Bác là một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận báo chí vô sản.

Là lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới, là nhà thơ, nhà văn, nhưng Bác luôn coi mình là một nhà báo. Trả lời phóng viên nước ngoài về nghề nghiệp, Bác nói: “Tôi là cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận. Gọi là nhà tuyên truyền, tôi cũng không tranh cãi, nhà cách mạng chuyên nghiệp là đúng nhất”.

Nhà cách mạng chuyên nghiệp, nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tuy là hai danh hiệu, song cũng chỉ là một. Bác Hồ bắt đầu viết báo từ rất sớm. Từ những ngày còn hoạt động ở nước ngoài, với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, báo chí luôn là một kênh thông tin quan trọng, nhanh nhạy, kịp thời góp phần lên án chủ nghĩa thực dân; đánh thức lòng yêu nước của nhân dân thuộc địa, cổ vũ họ đoàn kết lại, tiến hành đấu tranh để giải phóng khỏi ách áp bức…

Thông qua các bài báo của Người, các tờ báo do Người sáng lập, thiết thực tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa nói chung, dân tộc Việt Nam nói riêng. Bên cạnh đó, với những thông tin cập nhật về những vấn đề của thế giới đương đại, báo chí đã góp phần đưa ánh sáng của thời đại mới - thời đại của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội đang ngày một phát triển đến được với các dân tộc thuộc địa; từ đó, đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các thuộc địa, của nhân dân Việt Nam hòa vào dòng chảy chung của sự nghiệp cách mạng thế giới.

leftcenterrightdel
Bác Hồ với các phóng viên báo, đài. Ảnh tư liệu 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người từng căn dặn: “Mỗi bài báo là một tờ hịch cách mạng”, “Người không có đạo đức tốt thì không thể là nhà báo tốt”.

Với tinh thần “cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới”, nên mỗi nhà báo chân chính đều phải trung thực và nêu cao tinh thần “trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”.

Đồng thời, phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết… Muốn tiến bộ, muốn viết hay thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện… Mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong thì nhờ anh em sửa giùm”.

Người đã từng coi các nhà báo là chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hoá; đã là mặt trận phải có chiến đấu, có hy sinh. Xung kích trên mặt trận văn hoá nghĩa là luôn đối đầu với gian khổ, hiểm nguy để đem lại điều tốt đẹp, lẽ phải và công bằng cho xã hội. Chỉ những người làm báo chân chính mới thấy hết nỗi vất vả vô cùng của nghề làm báo. Đơn giản nhất là viết một mẩu tin cũng phải cân nhắc từng chữ, từng dấu phẩy, dấu chấm, sắp đặt thông tin nào trước, thông tin nào sau cho đạt hiệu quả cao.

Để có được một bài bút ký, phóng sự chất lượng không thể ngồi yên một chỗ mà cũng phải “lên thác, xuống ghềnh” để tìm chứng cứ, tư liệu, hỏi chỗ này, điều tra chỗ nọ. Không có được tính kiên trì, bền bỉ, đức hy sinh, nhà báo khó đạt được hiệu quả cao trong những trang viết của mình, thậm chí, dễ để cho lợi ích cá nhân lấn át lợi ích cộng đồng, coi trọng lợi ích trước mắt mà không coi trọng lợi ích lâu dài.

Nghiêm túc thực hiện những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 94 năm qua, trung thành và gắn bó với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, báo chí vẫn là “người” đi tiên phong, chủ động, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, sự điều hành của Chính phủ về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đấu tranh giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, tăng cường an ninh quốc phòng, đối ngoại; củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh kiên quyết chống các tư tưởng thù địch, phản động, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân lao động.

leftcenterrightdel
Nghề làm báo không ít khó khăn và thử thách. Ảnh: baophapluat.vn 

Hàng trăm nhà báo đã anh dũng ngã xuống trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc với tư thế vừa cầm bút, cầm máy, vừa cầm súng. Nhiều, rất nhiều nhà báo đã vượt lên mọi gian khó đời thường, kể cả sự hiểm nguy tính mạng để đến với các vùng mưa bão, núi lở, hạn hán, cháy rừng; các địa điểm dịch bệnh đang hoành hành... nhằm thông tin kịp thời mọi diễn biến và hậu quả, giúp cho các cơ quan chức năng có biện pháp đối phó, xử lý kịp thời.

Nhà báo không chỉ tham gia phản ánh những vụ việc đau lòng do thiên tai, dịch bệnh gây ra, mà còn trực tiếp tổ chức và tham gia các hoạt động thiện nguyện, góp sức cùng xã hội làm vơi đi nỗi đau da cam, những mảnh đời bất hạnh; xây hàng trăm “ngôi nhà tình nghĩa”, dành hàng ngàn cuốn sổ “tiết kiệm tình nghĩa” tặng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân các gia đình liệt sĩ...

Toàn xã hội trân trọng, đánh giá cao ý thức chính trị, tinh thần hết lòng phục vụ sự nghiệp chung của Đảng và dân tộc; những việc làm nghĩa tình dành cho các tầng lớp nhân dân của đội ngũ những người làm báo cách mạng.

Trong hoạt động báo chí, những tác phẩm thông tin, lý giải các sự kiện nóng hổi, những vấn đề sát sườn đặt ra từ đời sống dưới ánh sáng đường lối, quan điểm của Đảng, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân trở thành những tác phẩm gây được tiếng vang lớn, có hiệu quả cao đối với xã hội, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng thuận. 

Để báo chí cách mạng phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình trong thời kỳ mới, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo cần bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng; tích cực tuyên truyền, cổ vũ, khẳng định thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới; phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác những thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Cảnh giác với âm mưu “diễn biến hòa bình” của kẻ thù, nhất là những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. 

Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, học tập tấm gương về ý chí, nghị lực, tài năng, bản lĩnh chính trị, trí tuệ mẫn tiệp của nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh, mỗi nhà báo, nhất là những nhà báo trẻ càng phải nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách ngời sáng của Người; thường xuyên rèn luyện và nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ của mỗi nhà báo, phải “viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn ta. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn…” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, để mang lại những món ăn tinh thần bổ ích, đồng thời tiếp tục làm tốt sứ mệnh cao cả là tiếng nói của Ðảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân.                                              

Nguyễn Thanh Hoàng