Dư luận chưa kịp nguôi ngoai bởi những vụ việc đau lòng, phi giáo dục khi cô giáo một trường THCS ở Quảng Bình ra lệnh cho học sinh tát 230 cái vào mặt bạn cùng lớp vì nói tục và chính cô cũng tát học sinh đó “chốt” lại 1 cái. Dư luận lo ngại hơn khi hiệu trưởng trường này vòng vo, đùn đẩy trách nhiệm và ngụy biện không muốn sự việc “đi quá xa” vì ảnh hưởng tới danh hiệu “trường đạt chuẩn Quốc gia”!. Một “căn bệnh thành tích” đang bị xã hội lên án. 

Dư luận cũng nghẹn lòng, mới đây, khi cô giáo ở Long An dùng thước gỗ đánh thâm tím đùi một học sinh khuyết tật được cô “kèm cặp” chỉ vì học sinh này nghịch, phá đồ dùng học tập của bạn…  Những ngày qua, dư luận thực sự phẫn nộ và lo lắng trước vụ việc Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) đã có hành vi ấu dâm nhiều học sinh nam của trường trong một thời gian dài mà không bị phát hiện và lên án. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc điều tra, sự việc mới bị “lật tẩy” và người thầy này đã phải tra tay vào còng để phục vụ điều tra và tới đây sẽ phải chịu hình phạt thích đáng của pháp luật. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm và lo lắng chính là những hậu quả về mặt tinh thần, tâm, sinh lý… để lại cho các nạn nhân sẽ còn rất lâu dài mà các em không dễ dàng vượt qua được. 

Câu hỏi vì sao, lẽ ra nhà trường là nơi an toàn, là nơi để nuôi dạy, “ươm mầm” cho tương lai mà lại xảy ra những vụ việc kinh tởm đến như vậy? Hành vi đó, không chỉ là vi phạm đạo đức, lối sống mà còn là vi phạm pháp luật nghiêm trọng và chính vị hiệu trưởng này, chỉ cách đây mấy tháng, tại một diễn đàn “Tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em”,“người thầy đáng kính” Đinh Bằng My đã có tham luận với những lời thuyết giáo “tâm huyết”  chống nạn xâm hại trẻ em, hô hào “bảo vệ trẻ em”… thì những ai đã được nhìn, được nghe và kiểm nghiệm mới thấy rõ bộ mặt thật sau “chiếc mặt nạ” đạo đức giả của Đinh Bằng My. 

Từ sự việc nghiêm trọng xảy ra. Đã đến lúc, chúng ta phải nhìn nhận về vấn đề quyền lực trong nhà trường và có những cơ chế, biện pháp quản lý quyền lực một cách chặt chẽ. Nhất là với người đứng đầu.  Không để tình trạng tự tung, tự tác muốn hành động thế nào cũng được và đối tượng yếu thế, không có khả năng tự bảo vệ là học sinh phải gánh những hậu quả nặng nề. Dư luận càng bất bình hơn với Phó Hiệu trưởng nhà trường, thay mặt chi ủy, công đoàn trả lời với báo chí khi được hỏi về vụ việc này với điệp khúc “không nghe”, “không biết”… và “đã làm tròn trách nhiệm” được giao… thật sự những lời nói đó như những “nhát dao” cứa thêm vào “vết thương” của các nạn nhân trực tiếp và cả xã hội bởi sự vô cảm, vô trách nhiệm đến tàn nhẫn khi vụ việc đã bị phanh phui… 

Đã đến lúc, chúng ta cần xem lại cách dạy dỗ con em mình ở nhà trường. Nên chăng, thay việc chỉ tập trung  “nhồi nhét” cho các em những kiến thức cao siêu, “bác học” mà cần bắt đầu bằng sự gương mẫu của thầy, cô, bằng đạo đức nghề nghiệp, lối sống trong sáng. Rèn cho các em những kỹ năng sống, biết những quyền cơ bản của mình để chủ động phòng, chống, biết tự vệ khi lâm vào tình huống bị xâm hại…

Đã đến lúc cần cho học sinh được quyền chủ động bày tỏ chính kiến, thái độ của mình trước một hành vi không chuẩn mực, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật ở trường, qua hộp thư “tố giác”… những hộp thư này chỉ người có thẩm quyền cấp trên của trường học mới được mở với sự chứng kiến của đại diện phụ huynh và Công an cơ sở, để kịp thời phát hiện những vi phạm có những biện pháp khắc phục hậu quả và ngăn chặn, xử lý người vi phạm. Và hơn hết là các em được quyền bảo vệ an toàn thực sự. Các em được học tập, vui chơi và phát triển trong môi trường giáo dục lành mạnh.

Đừng lấy cái sai để mong sửa cái sai như thầy giáo THCS ở Hà Tĩnh tự dựng lên vở kịch “cổ tích giữa đời thường” bằng chuyện thầy giáo này nhặt được một túi có chứa 50 triệu đồng, hơn 20 chỉ vàng và đuổi theo cả một chặng đường dài để “trả lại” cho “người để quên” mà không cần “ơn huệ” gì... khi bị phát giác mới biết đây là chuyện bịa đặt, thì người thầy này lý giải một cách rất ngây thơ, do thời gian vừa qua, ngành Giáo dục có nhiều chuyện buồn quá, thất vọng quá nên mới dựng lên “câu chuyện đẹp” về người thầy đó... Thật “cạn lời”, không còn gì để bình luận thêm nữa! 

Đã đến lúc, những người có trách nhiệm của ngành Giáo dục nhìn nhận tầm quan trọng và đầu tư cho đào tạo ngành Sư phạm một cách căn bản và tương xứng. “Những kỹ sư tâm hồn”, những người có trách nhiệm trong “sự nghiệp trồng người” phải được rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp và đặc biệt là giáo dục đạo đức và trách nhiệm xã hội cho những thầy, cô giáo tương lai, phải luôn biết đặt chữ “tâm”, chữ “đức” lên trên tất cả, trước khi trở thành người tài. Có như vậy chúng ta mới không phải chứng kiến những sự việc đau lòng như thời gian qua, làm hoen ố hình ảnh đáng kính của những người thầy, người cô, những người phục vụ trong ngành Giáo dục đang âm thầm, tận tụy vì “sự nghiệp trồng người”… 

H.C