|
|
Theo chuyên gia kinh tế, cải cách thể chế phải là yểm trợ cho doanh nghiệp đi lên, nâng cao sức cạnh tranh. Ảnh minh họa. |
Những kết quả nổi bật
Tọa đàm Kinh tế việt Nam vượt những "cơn gió ngược" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 5/10, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Trong 9 tháng vừa qua, đất nước ta có khá nhiều kết quả nổi bật. Đầu tiên là tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%. Trong kết quả này, quý III GDP đạt 5,33% là con số rất tích cực so với cùng kỳ năm ngoái và kết quả này đã bù cho kết quả các quý trước và 9 tháng đạt kết quả chung GDP 4,24%. Có thể thấy, Việt Nam đã đạt kết quả tăng trưởng GDP khá cao so với các nước khác.
Để có sự phục hồi như vậy, rõ ràng chúng ta đã khá lên sau từng tháng, kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau đạt cao hơn quý trước. Chúng ta đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược" của năm nay nhờ cách chỉ đạo, điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta.
Cụ thể, Thủ tượng cho rằng, sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, điều hành tỉ giá phù hợp, đảm bảo tính thanh khoản của toàn hệ thống.
Ngoài ra, chúng ta cũng vượt qua "cơn gió ngược" về lạm phát. CPI 6 tháng đầu năm khá cao nhưng CPI 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước so với dư địa 4,5% mà Quốc hội cho phép. Trong những tháng cuối năm, chúng ta hoàn toàn có thể điều hành được.
Điểm sáng thứ ba là, giải ngân đầu tư công. Năm nay là năm có lượng vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay, do đó thách thức về giải ngân vô cùng lớn. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công sau 9 tháng đạt 51% là kết quả rất đáng khích lệ. Trong rất nhiều năm qua, hiếm có năm nào sau 9 tháng kết quả giải ngân đạt được trên 50%, bởi chúng ta thường dồn giải ngân vào những tháng cuối năm.
Cuối cùng, điểm nổi bật trong năm nay khi bối cảnh thế giới nhiều biến động thì đất nước đã đạt nhiều kết quả rất tốt về đối ngoại. Đây là nội dung rất quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng cả năm.
|
|
Các đại biểu cho rằng, chúng ta đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược" của năm nay nhờ cách chỉ đạo, điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ. Ảnh:VGP |
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, kết quả chúng ta đã đạt được trong thời gian qua chính là nỗ lực và nguồn lực chúng ta đã bỏ ra để giải quyết những khó khăn, giúp chúng ta đạt được sự tăng trưởng tích cực đó. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ và Quốc hội đã thực thi, ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cả về thể chế và tiền…
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá, trên thực tế chúng ta nhìn thấy điều kiện bên ngoài khó khăn hơn, nhu cầu đối với hàng công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa giảm, giá hàng hóa cao và điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt. Tất cả những điều này đang tạo ra những "cơn gió ngược", là các nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm hơn.
“Chúng tôi đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ, cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô với hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy đầu tư công. Các chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm các biện pháp tài chính và tiền tệ. Cho đến nay, Chính phủ đã đi đúng hướng và kịp thời.”- ông Shantanu Chakraborty nói.
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được thì cũng nêu rất rõ những khó khăn, thách thức và những dự báo trong bối cảnh tình hình 3 tháng cuối năm và định hướng trong năm 2024.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, bối cảnh vĩ mô toàn cầu rõ ràng chưa có sự ổn định. Hiện nay, tình hình lạm phát giá cả toàn cầu, các ứng xử về chính sách tài khóa tiền tệ rất khó đoán định, do vậy, ứng xử của chúng ta trong điều hành chính sách tiền tệ trong nước cần phải rất cẩn trọng, theo dõi chặt chẽ các biến động của thị trường thế giới để kịp thời có những điều chỉnh linh hoạt.
Chúng ta đã có cơ chế về sự linh hoạt, chủ động nên vấn đề đặt ra là nắm chắc tình hình kinh tế thế giới để có ứng xử phù hợp.
Thách thức, khó khăn thứ hai là những vấn đề về chính trị, kinh tế toàn cầu, đặc biệt là xung đột Nga-Ukraine, cũng như những vấn đề liên quan đến năng lượng, lương thực... Tác động của những vấn đề này không trực tiếp đến nước ta, nhưng vẫn ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, kỳ vọng vào cuối 2023, có nhiều sự kiện sẽ kích thích cầu của thế giới tăng lên. Đây là cơ hội để lĩnh vực xuất khẩu của chúng ta gia tăng hơn…
Đại biểu Phan Đức Hiếu cho hay, thách thức chúng ta phải đối mặt hiện nay khác với thời gian trước, đó là chúng ta phải đối mặt với một số chính sách toàn cầu không có lợi cho chúng ta. Ví dụ như: chính sách thuế carbon đánh vào một số mặt hàng sản phẩm làm ảnh hưởng đến khâu xuất khẩu sản phẩm. Trong bối cảnh khó khăn, thị trường có sự cạnh tranh cao hơn, do đó cạnh tranh sản phẩm giữa các quốc gian càng trở lên gay gắt. Vì vậy, cũng dẫn đến những khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là thách thức cải cách thể chế. Chúng ta đã và đang nỗ lực rất nhiều trong việc cải cách thể chế. Tuy nhiên, yêu cầu, đòi hỏi về cải cách thể chế hiện nay phải cao hơn, quyết liệt hơn bởi chúng ta đang ở trong bối cảnh mới.
Ví dụ như trong bối cảnh hiện nay, việc cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh đòi hỏi phải nhanh hơn, hiệu quả hơn, thì những vấn đề về thủ tục phải khác để đáp ứng với sự thay đổi, linh hoạt, chuyển biến trong kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phải cải cách thể chế một cách phù hợp, bởi nếu như cải cách không phù hợp, chúng ta đặt ra một điều kiện, yêu cầu quá cao khiến cho doanh nghiệp không thể thực hiện, đáp ứng được thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và không đạt được hiệu quả, kết quả như chúng ta mong muốn.
Cải cách thể chế là yểm trợ cho doanh nghiệp
Theo TS. Vũ Minh Khương, cải cách thể chế lần này thay vì gọi là đỡ phiền hà doanh nghiệp thì phải là yểm trợ doanh nghiệp, tức là xem doanh nghiệp có vấn đề gì để yểm trợ doanh nghiệp đi lên. Ngoài ra, là nâng cao sức cạnh tranh, không phải chỉ từng doanh nghiệp hạ giá thành mà cả hệ thống mới cạnh tranh được…
Từ những phân tích đó, TS. Nguyễn Minh Khương cho rằng, Việt Nam trong giai đoạn tới phát triển là học kinh nghiệm hay nhất của thế giới chứ chỉ đổi mới tư duy không đủ. Chỉ cố gắng, quyết liệt không đủ đâu, phải thấy thế giới làm thế nào chúng ta làm hay hơn mới là cái quan trọng. Đấy là điểm đầu tiên.
Thứ hai là, công nghệ thông tin Việt Nam có thế mạnh rất nhiều. Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia phát triển an ninh mạng rất mạnh, bởi vì an ninh mạng giúp bảo vệ cả thế giới.
Thứ ba là, ngành Điện tử của chúng ta đi vào bán dẫn, tức là phải trở thành trụ cột của khu vực và thế giới. Việt Nam có thể làm được và cộng hưởng với các nhà đầu tư quốc tế gắn bó lâu dài.
“Nếu chỉ đạo, điều hành theo phong cách hiện nay và nỗ lực đổi mới của cả hệ thống trong thời gian tới thì Việt Nam sẽ có bước đi rất ngoạn mục trong 2-5 năm tới. Tôi không lo tăng trưởng năm nay, có 5%, thậm trí 4,5% nhưng 3-5 năm tới, đến năm 2030, 7-8% là hoàn toàn có thể.”- ông bày tỏ.
Còn ông Shantanu Chakraborty cho biết: Một điểm chúng ta cần phải lưu ý là tăng trưởng của các ngành công nghệ cao như sản xuất chíp bán dẫn hay là các ngành công nghệ số, không thể xảy ra riêng lẻ, một mình Việt Nam được. Chúng ta phải có sự hội nhập sâu rộng với các chuỗi cung ứng của toàn cầu. Chúng ta phải lưu ý điểm đó, trước khi chúng ta nhảy cóc hay đi tắt, đón đầu các ngành công nghiệp của tương lai. Chúng ta cần phải đảm bảo chúng ta có một hệ sinh thái được xây dựng không chỉ đối với khuôn khổ khu vực công mà còn cả khu vực doanh nghiệp, khu vực tư nhân.
Điểm đầu tiên cần phải làm liên quan đến việc cải cách. Chúng ta cần phải có chính sách về tín dụng cho các doanh nghiệp của Việt Nam. Hiện nay, phần lớn những ưu đãi chúng ta cấp hiện nay là cho các ngành như sản xuất nông hộ hay là các lĩnh vực kinh doanh nông hộ. Chúng ta cần phải có những khoản tín dụng lớn hơn cho các ngành công nghệ chế tạo, các ngành công nghiệp mới.
Ngoài những chính sách khuyến khích như các khoản hỗ trợ về lãi suất thấp… phải có các hỗ trợ khác về tín dụng. Ở rất nhiều nước trên thế giới, trong những thập niên vừa qua, họ muốn phát triển những ngành công nghiệp, công nghệ thông tin hay công nghệ kỹ thuật số.
Điểm cuối cùng chúng ta cũng đã nói rất nhiều là xanh hóa, xanh hóa nền kinh tế, xanh hóa nguồn năng lượng và chuyển đổi cũng như cải cách các hệ thống chuyển tải năng lượng. Đặc biệt, năng lượng tái tạo hiện nay có sự tham gia rất mạnh của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tính đến khả năng hấp thụ nguồn năng lượng mới, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo này.
Tóm lại, cần tập trung vào việc xanh hóa nền kinh tế, đặc biệt là xanh hóa nguồn năng lượng và xây dựng một hệ sinh thái cho các ngành công nghệ cao.
Thứ ba là, đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng, nguồn tín dụng lớn, linh hoạt đối với các doanh nghiệp để chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và bền vững…