leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 24/5. Ảnh: VPQH cung cấp.

Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, ngày 24/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường Diên Hồng về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Cần mở rộng đối tượng áp dụng

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho rằng, bảo vệ dữ liệu cá nhân là một thành tố của một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, của quyền con người và quyền công dân.

“Giàu có nhưng không bảo vệ được các quyền nhân thân, quyền riêng tư thì cuộc sống cũng không an toàn, hạnh phúc và đầy đủ. Có những trường hợp bệnh trầm uất xáo trộn nghiêm trọng cuộc sống, thậm chí gây tự sát vì bị xâm hại dữ liệu cá nhân hoặc bị thao túng bằng dữ liệu cá nhân” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.

Theo đại biểu, luật này cũng mang tính quốc tế và tác động đến môi trường đầu tư. “Ví dụ, người nước ngoài đến đây đầu tư sinh sống, làm việc, học tập, cả gia đình người ta ở đây, du lịch, chữa bệnh và nếu như dữ liệu cá nhân của họ không được bảo vệ một cách đầy đủ và nghiêm minh bằng pháp luật thì ảnh hưởng tiêu cực đến hội nhập quốc tế và đến phát triển” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích.

Góp ý vào vấn đề cụ thể, Điều 1 dự thảo Luật quy định áp dụng đối với những hành vi vi phạm dữ liệu cá nhân tại Việt Nam. “Tôi băn khoăn là có rất nhiều hành vi vi phạm dữ liệu cá nhân diễn ra ngoài Việt Nam và xâm hại đến lợi ích của quốc gia cũng như của nhà nước và của công dân Việt Nam, chúng ta làm thế nào?” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi.

Vì vậy, đại biểu kiến nghị, trong phạm vi áp dụng, dự thảo Luật nên quy định thêm là xử lý những hành vi xử lý dữ liệu cá nhân, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước và công dân Việt Nam diễn ra ngoài Việt Nam thì xử lý theo pháp luật Việt Nam hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo cơ chế hợp tác quốc tế.

Phải có sự đầu tư tương xứng cho lực lượng thực thi pháp luật

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho biết, thực tiễn cho thấy, các hành vi vi phạm liên quan đến dữ liệu cá nhân, nhất là các hoạt động mua bán dữ liệu trái phép ngày càng tinh vi và thường có yếu tố xuyên biên giới, sử dụng công nghệ cao để che giấu hành vi và gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, thu thập chứng cứ và xử lý của Cơ quan điều tra.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Thị Thu Phước phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.

“Do đó, để luật thực sự có sức răn đe, đi vào cuộc sống và không chỉ dừng lại ở các quy định trên giấy, tôi nghĩ đòi hỏi chúng ta phải có sự đầu tư tương xứng cho lực lượng thực thi pháp luật” - đại biểu Trần Thị Thu Phước kiến nghị.

 Theo đại biểu, cần xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên trách có đủ trình độ chuyên môn cả về pháp luật, công nghệ thông tin và nghiệp vụ điều tra tội phạm về công nghệ cao. “Hiện nay thì lực lượng này vẫn còn mỏng, còn thiếu và còn yếu” - đại biểu Trần Thị Thu Phước bày tỏ.

Cần có chế tài mạnh hơn để bảo đảm tính răn đe

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) đề xuất phải bổ sung, sửa đổi các quy định để có chế tài mạnh hơn, nghiêm minh hơn trong xử lý những hành vi vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Kim Yến phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.

“Hiện tại các chế tài xử phạt vi phạm về quyền riêng tư, về sự riêng tư nói chung và dữ liệu cá nhân riêng tư nói riêng vẫn còn thấp so với các chế tài ở các quốc gia khác, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, chưa đảm bảo được tính răn đe” - đại biểu Trần Thị Thu Phước kiến nghị.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các tổ chức, cá nhân vi phạm, tạo cơ chế thuận lợi để cá nhân bị xâm phạm dữ liệu cá nhân khởi kiện đòi bồi thường, xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả liên quan đến vi phạm dữ liệu cá nhân.

Đồng thời, bổ sung thêm chế tài hình sự điều chỉnh vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân, mua, bán dữ liệu cá nhân. Có thể bổ sung các tội danh cụ thể liên quan đến hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân.

Theo đại biểu, trong nền kinh tế số và xã hội số hiện nay thì dữ liệu cá nhân trở thành một nguồn tài nguyên hết sức quan trọng. Do đó, các quy định của dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết, phải cân bằng giữa 2 mục tiêu là bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân và phục vụ cho sự phát triển về kinh tế.

“Chế tài xử phạt nghiêm minh, khả thi không chỉ giúp bảo vệ người dân mà còn tạo ra môi trường pháp lý minh bạch, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững” - đại biểu Trần Thị Thu Phước nhấn mạnh.

Cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người

Phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định, nhiều nội dung đại biểu phát biểu xác đáng, sâu sắc dưới góc nhìn thực tiễn đối với vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân hết sức cấp bách hiện nay…

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: VPQH cung cấp.

Làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hiện nay còn hạn chế, tầm quan trọng của bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng chưa được hiểu đầy đủ, tạo ra những “vùng xám” trong việc sử dụng dữ liệu cá nhân.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, dữ liệu cá nhân với đặc tính là gắn liền với con người, gắn liền với quyền con người, quyền nhân thân, quyền riêng tư không thể coi là hàng hóa tài sản thông thường mà đây là một loại tài nguyên đặc biệt. Do vậy, yêu cầu khai thác sử dụng phải đi đôi với bảo vệ ở mức cao nhất, cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người, quyền định đoạt thông tin của người khác...

“Đó là giới hạn ranh giới giữa sử dụng và định đoạt, ưu tiên phát triển nhưng phải đi đôi với bảo vệ, thiết lập các quy định, cơ chế quản lý việc sử dụng và khai thác dữ liệu cá nhân không vi phạm các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân” - Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, thực tế hiện nay, các vụ lừa đảo về chiếm đoạt tài sản với tài sản quy mô lớn mà thời gian vừa qua lực lượng công an đã đấu tranh và triệt phá thì yếu tố lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân là nguyên nhân chính khiến tội phạm thực hiện hành vi phạm tội.

Do vậy, việc mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa diễn ra với số lượng dữ liệu cá nhân rất lớn, bán nhiều lần cho nhiều đối tượng để phân tích, khai thác, xây dựng các kịch bản lừa đảo và tiếp cận nạn nhân chính xác và dễ dàng.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, hiện nay, nhiều tổ chức thiếu quy định, chính sách quản lý chưa chặt chẽ, phân quyền xử lý dữ liệu cá nhân dẫn đến nhân viên lấy thông tin khách hàng với tính chính xác rất cao và cập nhật theo thời gian thực để bán cho các đối tượng lừa đảo, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông, điện lực, bảo hiểm và vận chuyển, giao hàng...

“Chính phủ xin báo cáo để thấy, nếu không quy định việc cấm mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa thông thường và có chế tài xử lý nghiêm minh thì thực tiễn sẽ phát sinh rất nhiều những phương thức, thủ đoạn để hình thành chợ đen về dữ liệu cá nhân, gây hậu quả thiệt hại rất lớn và nỗi bất an cho người dân” - Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

Vì vậy, theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, dự thảo Luật đã được bổ sung, chỉnh lý để điều chỉnh hoạt động cho thuê, mượn dữ liệu cá nhân để thực hiện hành vi trái pháp luật thể hiện tại khoản 5 Điều 7 về việc cấm sử dụng dữ liệu cá nhân của người khác, cho người khác sử dụng dữ liệu cá nhân của mình để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an đã giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm như: phạm vi điều chỉnh; quy định chuyển dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam xuyên biên giới…

“Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ngày hôm nay, Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội” – Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định.

Minh Khôi