leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 24/5. Ảnh: VPQH cung cấp.

Sáng 24/5, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dẫn độ.

Tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về dẫn độ

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, việc xây dựng Luật Dẫn độ nhằm hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về dẫn độ.

Luật Dẫn độ quy định nguyên tắc, thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện dẫn độ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước của Việt Nam trong dẫn độ; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến dẫn độ với Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình. Ảnh: VPQH cung cấp.

Về áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ, dự thảo Luật bổ sung điều kiện áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ, chuyển cơ quan quyết định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Công an.

Về dẫn độ có điều kiện, dự thảo Luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để đồng ý dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể chấp nhận một phần hoặc toàn bộ điều kiện này.

Trường hợp nước ngoài phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để Việt Nam đồng ý dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài chấp nhận các điều kiện này. Chính phủ hướng dẫn chi tiết Điều này.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên làm việc của Quốc hội sáng 24/5. Ảnh: VPQH cung cấp.

Về thông báo liên quan đến hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, dự thảo Luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đưa ra một trong các thông báo sau đây:

Thông báo không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ nếu người bị yêu cầu dẫn độ thuộc trường hợp không bị áp dụng hình phạt tử hình hoặc không bị thi hành hình phạt tử hình theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Thông báo không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ không thuộc trường hợp được quy định tại Điều 13 của dự thảo Luật sau khi có ý kiến của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trường hợp Việt Nam yêu cầu nước ngoài không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an đề nghị nước ngoài đưa ra cam kết bằng văn bản về nội dung này. Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan hướng dẫn chi tiết Điều này.

Lấy ý kiến Bộ Ngoại giao trong trường hợp cần thiết

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dẫn độ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết xây dựng Luật và cho rằng nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm yêu cầu đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH cung cấp.

Đồng thời, Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bám sát quá trình sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan như Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự và một số dự án luật khác đang trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín để kịp thời cập nhật, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ (Điều 5), Ủy ban tán thành việc quy định cụ thể các điều kiện áp dụng nguyên tắc có đi có lại và giao Bộ Công an quyết định việc áp dụng nguyên tắc này trong dẫn độ; trường hợp cần thiết, Bộ Công an lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan trước khi quyết định.

Có ý kiến đề nghị quy định theo hướng Bộ Công an cần lấy ý kiến Bộ Ngoại giao trong các trường hợp áp dụng nguyên tắc có đi có lại (không chỉ trường hợp cần thiết) để bảo đảm tính đầy đủ, thận trọng.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên làm việc của Quốc hội sáng 24/5. Ảnh: VPQH cung cấp.

Về dẫn độ có điều kiện (Điều 12), Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để đồng ý dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể chấp nhận một phần hoặc toàn bộ điều kiện này vì phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, góp phần thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế về dẫn độ, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Có ý kiến đề nghị làm rõ phạm vi những loại điều kiện mà Việt Nam có thể chấp nhận một phần hoặc toàn bộ để tránh tùy nghi trong quá trình thực hiện.

Về thông báo liên quan đến hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ (Điều 13), Ủy ban cho rằng, việc bổ sung quy định cụ thể phương án xử lý trường hợp phía nước ngoài yêu cầu Việt Nam cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình sẽ góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dẫn độ, đặc biệt là trước các yêu cầu từ những quốc gia đã bãi bỏ hình phạt tử hình.

Có ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để quy định cho đầy đủ vì quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 chưa giải quyết được trường hợp phía nước ngoài yêu cầu Việt Nam không áp dụng hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ không thuộc trường hợp do Bộ luật Hình sự quy định…

Minh Khôi