Tại buổi tọa đàm “Làm báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0” diễn ra vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi chia sẻ trong lĩnh vực báo chí truyền thông, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến sự  “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi cả về các sản phẩm báo chí. Những bài bình luận nghiêm túc, dài dòng không còn thu hút được công chúng, thay vào đó là những bài viết được thể hiện dưới dạng thông tin đồ họa và các loại hình sản phẩm báo chí đa phương tiện, như: các siêu tác phẩm số (mega-stories), báo chí dữ liệu và tích hợp tính nghệ thuật, giải trí trong các sản phẩm báo chí truyền thông (chẳng hạn các clip dạng live-stream trên mạng xã hội, hay các bản rap-news (bản tin rap)...). Trước hết, nhìn nhận dưới góc độ công chúng, nếu trước đây, công chúng (bạn đọc) để tiếp cận thông tin từ báo chí, họ phải mua báo để đọc, hoặc nghe đài, xem ti vi...; Muốn phản hồi về thông tin nào đó, công chúng phải gửi thư đến Tòa soạn, hay cần xem lại một bài viết cũng rất khó khăn… Ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo thuận lợi cho công chúng có thể tiếp cận thông tin báo chí một cách dễ dàng. Có nghĩa là người đọc có thể tiếp nhận thông tin không chỉ bằng xúc giác mà còn có thể bày tỏ cảm xúc của mình đối với thông tin mình đọc, chia sẻ quan điểm cá nhân (comment) hay đưa ra thêm thông tin liên quan đến nội dung của bài báo đó. Vậy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động thế nào đối với những người làm báo hiện nay? 

leftcenterrightdel
Trong thời đại kỷ nguyên số, một số nhà báo hiện đại cần có đủ kỹ năng. (Ảnh: CTV)

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, ở Việt Nam hiện nay có khá nhiều cơ quan báo chí chưa đạt được tiêu chí về tòa soạn hội tụ, trong khi ở nhiều nơi trong khu vực, trên thế giới, nhiều tòa soạn đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết tin. Rất nhiều tờ báo đã ứng dụng các công nghệ sản xuất báo chí hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc. 

Bằng các phương tiện kỹ thuật truyền thông thời đại 4.0, báo chí đã tạo cho độc giả như được tham gia vào thời điểm diễn ra sự kiện trong không gian ảo, nơi có thể tái hiện lại sự kiện; các nhân vật, âm thanh, tiếng động cũng được mô phỏng lại theo đúng ở hiện trường.

Tòa soạn chuyển mình, người đọc chuyển mình cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phóng viên cũng không thể đứng ngoài cuộc. Đã xa rồi thời mà phóng viên chỉ cầm quyển sổ, cây bút hay chiếc laptop cặm cụi viết tin. Trong thời đại kỷ nguyên số, một nhà báo hiện đại phải có đủ các kỹ năng như:  viết bài, chụp ảnh, quay video clip, biết sử dụng đồ họa, thậm chí biết cả lập trình…

Hình ảnh người phóng viên tác nghiệp trực tiếp tại các sự kiện đã trở nên quen thuộc với công chúng, họ vừa ghi nhận sự kiện, vừa truyền tải về Tòa soạn và ngay lập tức, thông tin đó được chuyển tải đến bạn đọc. Đó thực sự là những nỗ lực, sự cố gắng hết mình của người làm báo.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có khoảng  hơn 18.000 nhà báo được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ, trong khi đó, số người dùng Facebook, mạng xã hội là trên 48 triệu người. Đây là một lượng cộng tác viên rất lớn đối với nhiều cơ quan báo chí. Thế nhưng, việc sử dụng thông tin từ mạng xã hội cũng có hạn chế, đó là tính xác thực, có không ít thông tin được đưa lên có ý đồ, mục đích nên cái khó với phóng viên, cơ quan báo chí khi sử dụng nếu không tỉnh táo có thể rơi vào “bẫy thông tin” mà người dùng mạng xã hội đưa lên… 

leftcenterrightdel
Mô hình tòa soạn hội tụ tại VnExpress. (Ảnh: CTV) 

Ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, chưa bao giờ việc sàng lọc thông tin trên mạng lại khó như hiện nay khi bất kỳ ai, trong đó có các nhà báo cũng có thể chia sẻ và khai thác thông tin trên mạng xã hội. 

Vì thế, nhà báo phải luôn luôn giữ đạo đức của người làm báo, đó là thông tin chính xác, khách quan và kịp thời. Có nghĩa là phải làm sao để tin, bài của mình đưa ra vừa thỏa mãn được thị hiếu của người đọc, người xem lại vừa thể hiện đầy đủ tính đúng đắn, chuẩn mực, từ đó tạo nên động lực phát triển cho xã hội, đất nước.

Để đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi sự quyết tâm vào cuộc, sự đồng thuận của cả hệ thống, bao gồm đồng bộ hóa đội ngũ nhà báo công nghệ 4.0 và nhà quản lý báo chí truyền thông đủ bản lĩnh, nhân cách và năng lực tương ứng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông cũng cho rằng, trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin, ngoài báo chí chính thống còn nguồn thông tin trên mạng xã hội. Sự phát triển song hành này đòi hỏi báo chí chính thống phải đóng vài trò dẫn dắt dư luận, định hướng dư luận. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu để có các chính sách, văn bản pháp luật quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn thông tin cho công chúng và phát triển nền báo chí lành mạnh, trong môi trường truyền thông số một cách kịp thời và hiệu quả.

Ngọc Đức - Thanh Dịu