Ngày 9/1/2018, VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 15/QĐ- VKSTC ban hành 170 Mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố của Viện kiểm sát tại biểu mẫu số 144/HS là biểu mẫu Cáo Trạng.

Bài viết này tác giả không bàn luận về cách thức trình bày cũng như nội dung bản cáo trạng, mà chỉ xin đề cập đến một nội dung nhỏ trong biểu mẫu bản cáo trạng, cụ thể là vấn đề ghi số tờ, số thứ tự trong bản cáo trạng.

leftcenterrightdel
 Đoàn công tác của VKSTP Hải Dương kiểm sát trực tiếp công tác thi hành án hình sự tại UBND xã,phường trên địa bàn thành phố Hải Dương. Ảnh minh hoạ,

Tại mục 2. phần “QUYẾT ĐỊNH” của bản cáo trạng có nội dung:

2. Kèm theo Cáo trạng có:

  • Hồ sơ vụ án gồm có: ....... tập, bằng .... tờ, đánh số thứ tự từ 01 đến....”

Tại biểu mẫu không có nội dung hướng dẫn việc cách thức ghi và thời điểm ghi số tờ và số thứ tự cũng như thời điểm tính số tờ hoặc số thứ tự tại bản cáo trạng như thế nào. Nên thực tế khi áp dụng còn nhiều bất cập, do số tờ, số thứ tự (hay tổng số bút lục) tại thời điểm ký, phát hành bản cáo trạng và thời điểm chuyển hồ sơ đến Tòa án kết thúc giai đoạn truy tố của Viện kiểm sát là khác nhau nên việc các Kiểm sát viên tính số tờ, số thứ tự đến thời điểm phát hành cáo trạng và thời điểm chuyển hồ sơ sang tòa còn chưa được thống nhất, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất: Việc ghi số tờ, đánh số thứ tự từ 01 đến... trong bản cáo trạng sẽ được tính đến thời điểm phát hành bản Cáo trạng.

Theo quan điểm này Kiểm sát viên sẽ thống kê thực tế hồ sơ vụ án từ khi thụ lý đến bản cáo trạng có bao nhiêu tờ, từ số thứ tự 01 đến thứ tự số bao nhiêu để ghi vào mục 2. phần Quyết định của bản cáo trạng trước khi tống đạt Cáo trạng cho bị can. Việc ghi này chưa bao gồm biên bản giao nhận cáo trạng và các thủ tục khác phát sinh sau khi ban hành Cáo trạng. Do việc tính số tờ, thứ tự không thể dự tính cho những tài liệu chưa phát sinh. Số tờ và số thứ tự cần phải được ghi trước khi trình lãnh đạo viện ký phát hành tránh tình trạng số tờ, số thứ tự bị bỏ trống sau đó bị can, những người khác có thể tự ý ghi số tờ và số thứ tự vào nội dung bản cáo trạng.

Quan điểm thứ 2: việc ghi số tờ, số thứ tự từ 01 đến... trong bản Cáo trạng sẽ được tính đến thời điểm chuyển hồ sơ đến Tòa án, bao gồm cả bản Cáo trạng, biên bản giao nhận Cáo trạng cho bị can và những tài liệu khác phát sinh sau khi phát hành bản Cáo trạng cả biên bản giao nhận hồ sơ và thống kê hồ sơ để chuyển đến Tòa án.  Do bản Cáo trạng Kiểm sát viên sẽ công bố tại phiên tòa do vậy tổng số tờ cũng như số thứ tự (bút lục) sẽ là toàn bộ hồ sơ vụ án chuyển sang Tòa án. Do vậy khi phát hành Cáo trạng Kiểm sát viên trước khi trình lãnh đạo ký ban hành cần dự tính số tờ và ghi vào phần 2. Quyết định của bản Cáo trạng.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSND TP Chí Linh (Hải Dương) thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử tại phiên toà hình sự sơ thẩm.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ nhất, bỡi lẽ khi thực hành quyền công tố Kiểm sát viên không thể dự tính các văn bản phát sinh trong tương lai để điền số bút lục trước vào bản Cáo trạng được, việc ghi số thứ tự vào Cáo trạng cần ghi  vào bản Cáo trạng sẽ là số tờ, số thứ tự thực tế trong hồ sơ vụ án phát sinh đến thời điểm ban hành bản Cáo trạng.

Trên thực tế khi áp dụng việc ghi số tờ và số tứ tự tại bản Cáo trạng còn có quan điểm khác nhau dẫn đến việc áp dụng còn có sự khác nhau, chưa thống nhất. Do bản bản Cáo trạng là văn bản pháp lý quan trọng của Ngành kiểm sát, tác giả thiết nghĩ dù việc ghi số tờ, số thứ tự là vấn đề rất nhỏ trong văn bản pháp lý này nhưng để đảm bảo tính chính xác về pháp lý và quy định mang tính thực tiễn để Kiểm sát viên áp dụng được đúng, chính xác, đầy đủ thì cần có sự hướng dẫn, thống thất trong ngành Kiểm sát về nội dung này.

Chu Văn Thi (VKSND TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương)