Trước đó, ngày 2/8/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra Quyết định số 02 khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra về hành vi có dấu hiệu làm sai lệch kết quả thi của các thí sinh khi chấm thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh này.
Cùng ngày, VKSND tỉnh Hòa Bình ra Quyết định số 21 chuyển vụ án hình sự đến Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an để điều tra.
|
|
Các đối tượng bị khởi tố trong vụ án gian lận điểm thi tại Hòa Bình (ảnh nhỏ). Trụ sở Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình (ảnh lớn). |
Tiếp nhận vụ án, sau khi củng cố tài liệu, sáng 3/8/2018, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356 BLHS. Chiều cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Đỗ Mạnh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT nội trú huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình; Nguyễn Khắc Tuấn, chuyên viên Phòng Khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hòa Bình. Cả hai bị khởi tố để điều tra về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 356 BLHS.
Trước đó, theo phân tích dữ liệu điểm thi của Bộ GD&ĐT cho thấy, số thí sinh đạt điểm Toán từ 9 trở lên của tỉnh Hòa Bình là 27 em, chiếm 4,8% cả nước (dù số thí sinh chỉ chiếm chưa đến 1% của cả nước). Năm 2018, số lượng bài thi Toán đạt từ 9 trở lên ở tỉnh Hòa Bình gần tương đương TP. HCM (trong khi số thí sinh ở TP. HCM nhiều gấp 10 lần của tỉnh Hòa Bình).
Tỷ lệ bài thi Toán đạt từ 9 trở lên tại tỉnh Hòa Bình đạt 0,3%, gấp mức chung của cả nước 5 lần, gấp TP. Hà Nội 3 lần và TP.HCM 7,5 lần. Hòa Bình đứng thứ hai cả nước, sau tỉnh Hà Giang (trước khi điều chỉnh điểm), vượt Sơn La - tỉnh cũng có điểm thi bị can thiệp.
Tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, ngày 14/9/2018, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với: Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trong một diễn biến khác, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Qua điều tra, bước đầu cơ quan Công an xác nhận có sự can thiệp vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh tỉnh Hòa Bình để làm tăng điểm số.
Kết quả rà soát đến ngày 28/7/2018, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình phát hiện một số vấn đề trong khâu chấm thi trắc nghiệm cần phải báo cáo Trưởng ban chỉ đạo thi của tỉnh, Bộ GD&ĐT và Công an tỉnh Hòa Bình. Khi đó, sự việc liên quan đến ai, lực lượng chức năng sẽ triệu tập người đó để làm rõ. Cơ quan Công an đã phối hợp với tỉnh Hòa Bình để điều tra, làm rõ những nghi vấn về điểm thi. Cơ quan Công an đã làm việc với toàn bộ tổ chấm trắc nghiệm, trong đó có ông Nguyễn Khắc Tuấn, chuyên viên Phòng khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình; ông Đỗ Mạnh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường THCS và THPT nội trú huyện Lạc Thủy; ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình.
Đề cập đến trách nhiệm của Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh cũng khẳng định, sau khi rà soát lại, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình đã phát hiện một số vấn đề trong khâu chấm thi trắc nghiệm, đã báo cáo nhanh về Bộ GD&ĐT. Sau khi nhận báo cáo nhanh của Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, Bộ GD&ĐT đã thực hiện chấm thẩm định bài thi THPT quốc gia ở một số địa phương, trong đó có Hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình. Qua quá trình chấm, Bộ GD&ĐT cũng đã phát hiện một số dấu hiệu bất thường, nhất là trong quy trình chấm bài thi trắc nghiệm. Hội đồng chấm thẩm định đã báo cáo với Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia.
Từ những thông tin ban đầu cùng với những kết quả bất thường được phát hiện trong quá trình chấm thẩm định, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn đến Bộ Công an đề nghị tiến hành điều tra, làm rõ các dấu hiệu bất thường về điểm thi tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan Công an xác minh có dấu hiệu can thiệp làm thay đổi trên phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh để làm thay đổi kết quả bài thi của thí sinh.
“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là làm nghiêm túc, xử lý nghiêm sai phạm, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, các cơ quan tố tụng đang phối hợp với Bộ GD&ĐT để công bố điểm chính thức của các thí sinh bị sửa chữa nâng điểm trong thời gian sớm nhất (trước kỳ thi THPT năm 2019)” - nguồn tin của PV báo BVPL cho hay.
56 thí sinh có dấu hiệu can thiệp, nâng điểm
Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã trưng cầu Viện khoa học hình sự Bộ Công an tiến hành giám định 210 bài thi trắc nghiệm của 77 thí sinh có dấu hiệu bị can thiệp, nâng điểm. Kết luận giám định, xác định 140/210 bài thi của 56 thí sinh tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án, các đáp án trên bài thi trắc nghiệm không phải do cùng một người tô ra. Kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT xác định 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh (có danh sách kèm theo) được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/ một môn thi.
Trong số này, có thí sinh Đỗ Nguyễn Hoàng Anh là cháu của Nguyễn Quang Vinh (môn toán nâng 4,6 điểm; môn ngoại ngữ 5,2 điểm). Trong việc can thiệp nâng điểm bài thi trắc nghiệm, bị can Đỗ Mạnh Tuấn thừa nhận được hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tỉnh Hòa Bình, Nguyễn Khắc Tuấn đã trực tiếp can thiệp, nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho cháu của mình là thí sinh Đinh Ngọc Thảo.
Đối với môn thi tự luận, Đỗ Mạnh Tuấn khai nhận còn được Vinh chỉ đạo làm “Sinh phách” (mã hóa số báo danh của thí sinh từ phần mềm quản lý thi) chấm thi tự luận môn ngữ văn, mặc dù Tuấn không có nhiệm vụ.
Thông qua việc làm “Sinh phách”, Đỗ Mạnh Tuấn tập hợp và đưa lại cho Vinh danh sách các thí sinh cần nâng điểm thi môn ngữ văn để Vinh chỉ đạo, xử lý. Kết quả chấm thấm định bài thi tự luận môn ngữ văn của Bộ GD&ĐT xác định có 22 bài thi của 22 thí sinh được chấm chênh lệch điểm từ 1,25 đến 4,75...
|