Cụ thể các loại hình khen thưởng

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đang dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật quy định về đối tượng, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thi đua, khen thưởng. Luật áp dụng đối với cá nhân, tập thể, gia đình người Việt Nam; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài.

Theo dự thảo, các loại hình khen thưởng gồm: Khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được là khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khen thưởng theo đợt hoặc chuyên đề là khen thưởng cho cá nhân, tập thể đạt được thành tích xuất sắc sau khi kết thúc phong trào thi đua do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị phát động trong thời gian cụ thể.

Khen thưởng đột xuất là khen thưởng ngay cho cá nhân, tập thể sau khi lập được thành tích xuất sắc, đột xuất.

Khen thưởng quá trình cống hiến là khen thưởng cho cá nhân thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân có thành tích, có thời gian tham gia xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định.

Khen thưởng theo niên hạn là khen thưởng cho cá nhân thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân có thành tích, có thời gian tham gia xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định.

Khen thưởng đối ngoại là khen thưởng cho cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài có thành tích đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà cho đại diện 110 nữ cán bộ tiêu biểu trong ngành KSND. 

Cũng theo dự thảo, mục tiêu của thi đua nhằm tạo động lực động viên, thu hút, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong thi đua khen thưởng

Theo dự thảo Luật, nguyên tắc thi đua đó là: Tự nguyện, tự giác, công khai; đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển. Nguyên tắc khen thưởng gồm: Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời; một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; bảo đảm thống nhất giữa thành tích, hình thức và đối tượng khen thưởng; kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất.

Đồng thời, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng.

Danh hiệu thi đua gồm: Danh hiệu thi đua đối với cá nhân; danh hiệu thi đua đối với tập thể; danh hiệu thi đua đối với gia đình.

Các danh hiệu thi đua được xét tặng hàng năm hoặc theo đợt.

Hình thức khen thưởng gồm: Huân chương; Huy chương; Danh hiệu vinh dự nhà nước; “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”; Kỷ niệm chương, Huy hiệu; Bằng khen; Giấy khen.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Luật quy định: Tổ chức thi đua, khen thưởng trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng thi đua, khen thưởng để vụ lợi.

Cản trở hoặc ép buộc tham gia các phong trào thi đua; kê khai gian dối, làm giả hồ sơ, xác nhận, đề nghị sai trong thi đua, khen thưởng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị, quyết định khen thưởng trái pháp luật. Đồng thời, lãng phí tài sản của Nhà nước, của tập thể trong thi đua, khen thưởng.

Về danh hiệu thi đua đối với cá nhân, theo dự thảo Luật bao gồm: “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; “Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh”; “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”.

Danh hiệu thi đua đối với tập thể gồm: “Cờ thi đua của Chính phủ”; Cờ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh; “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng”; “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến”; “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”; “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”.

Danh hiệu thi đua đối với gia đình là “Gia đình tiêu biểu”.

P.V