Bộ Tư pháp vừa hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/2/2020 của Chính phủ kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (Nghị định số 19/2020/NĐ-CP) để lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan.
Theo Bộ Tư pháp, Nghị định số 19/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/3/2020, riêng các quy định về xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại các Điều 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28 và 29 của Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020.
Bên cạnh đó, theo Bộ này, để thực hiện thống nhất, đồng bộ các quy định của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP trong phạm vi cả nước, đồng thời, bảo đảm thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện Nghị định, việc quy định các biểu mẫu để sử dụng trong kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản hành chính của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư cũng có ý nghĩa rất quan trọng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Cũng theo Bộ Tư pháp, để triển khai thực hiện Nghị định số 19/2020/NĐ-CP một cách đầy đủ, toàn diện, kịp thời, minh bạch, đáp ứng yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức và yêu cầu quản lý nhà nước trong kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, việc ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP là rất cần thiết.
|
|
Lực lượng Công an tăng cường xử lý vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. (Ảnh minh hoạ) |
Việc xây dựng Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP tạo cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Cùng với đó, các quy định của Thông tư phải cụ thể, rõ ràng, bảo đảm tính hợp pháp, tính khả thi, phù hợp với thực tiễn thực hiện công tác kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Liên quan đến thẩm quyền kiểm tra, dự thảo Thông tư quy định cụ thể thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc (Công an nhân dân; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Kiểm ngư; Thuế; Quản lý thị trường; Cơ quan thi hành án dân sự; Kho bạc Nhà nước; Ngân hàng Nhà nước, tổ chức Thống kê tập trung; Bảo hiểm xã hội và các tổ chức khác thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc).
TAND tối cao, Kiểm toán Nhà nước và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.
Cùng với đó, dự thảo Thông tư quy định cụ thể các hình thức công khai kết luận kiểm tra; kết quả và việc xử lý kết quả theo dõi thực hiện kết luận kiểm tra và thời hạn để người có thẩm quyền ban hành kết luận kiểm tra hoặc người được ủy quyền thực hiện việc công khai.
Ngoài ra, liên quan đến việc công khai kết luận kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, dự thảo Thông tư quy định cụ thể các nội dung của kết luận kiểm tra được công khai phải được xây dựng thành thông báo kết luận kiểm tra do người có thẩm quyền kiểm tra ký để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ khi các cơ quan, đơn vị thực hiện kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.