(BVPL) - Nhằm hạn chế khó khăn cho một số đối tượng công chức làm việc trong môi trường đặc biệt, từ tháng 4/2013, một số chính sách ưu tiên cho đối tượng này bắt đầu có hiệu lực.
Bổ sung quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Nghị định số 17/2013/NĐ-CP quy định, cán bộ, công chức, viên chức lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ mà chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định.
Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được nâng bậc lương trước thời hạn trong một năm cũng được tăng lên thành không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, Nghị định còn bổ sung bảng nâng lương đối với sỹ quan cấp tướng thuộc QĐND và CAND. Thời hạn nâng lương của cấp bậc quân hàm Thiếu tướng, Trung tướng, Thượng tướng và Đại tướng là 4 năm.
Nghị định 17 có hiệu lực từ ngày 10/4/2013.
Ấn định tiêu chuẩn vật chất hậu cần với lực lượng Công an
Nghị định số 18/2013/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng CAND cũng sẽ được thi hành từ ngày 10/4. Về tiêu chuẩn ăn cơ bản của cán bộ, chiến sĩ CAND, nhiệt lượng khẩu phần ăn 3.200 Kcal/người/ngày.
Mức tiền ăn của cán bộ, chiến sĩ đảm nhiệm công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm hoặc nặng nhọc, nguy hiểm được tính cao hơn so với cán bộ, chiến sĩ hưởng sinh hoạt phí từ 1,3 đến 3,5 lần. Cán bộ, chiến sĩ bị thương, ốm đau điều trị tại bệnh viện, bệnh xá, nhà nghỉ dưỡng ăn theo tiêu chuẩn bệnh lý.
Tiêu chuẩn diện tích nhà làm việc gồm tiêu chuẩn nhà làm việc cho sĩ quan chỉ huy Công an các cấp và tiêu chuẩn nhà làm việc cho sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên trách. Tiêu chuẩn diện tích nhà ở tập thể doanh trại được chia theo đối tượng cấp bậc hàm sĩ quan từ thiếu úy đến thượng úy, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên trong CAND bảo đảm diện tích ở bình quân tối thiểu là 4,5 m2 và tối đa là 6 m2 cho một người.
Trợ cấp cho nhà giáo làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn
Nghị định số 19/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có hiệu lực thi hành tính từ ngày 15/4/2013.
Theo đó, đối tượng áp dụng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã hết thời hạn công tác theo quy định nhưng cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền chưa sắp xếp, luân chuyển công tác trở về nơi ở hoặc nơi làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Quy định về hưởng phụ cấp của đối tượng này là 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), nhưng thôi không hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Điều 5 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Về trợ cấp chuyển vùng, Nghị định 19 quy định nếu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có gia đình chuyển đi theo thì được trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên đi cùng và được trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung cho một hộ tại thời điểm nhận công tác, luân chuyển ghi trong quyết định luân chuyển.
Tương tự, về trợ cấp lần đầu, Nghị định 19 quy định mức trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung cho một người tại thời điểm nhận công tác, luân chuyển ghi trong quyết định luân chuyển.
UBND cấp huyện của địa phương có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết trợ cấp lần đầu và chỗ ở cho các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được chuyển đến địa phương. Trợ cấp chuyển vùng và trợ cấp lần đầu nêu trên chỉ thực hiện một lần trong cả thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo Pháp luật Việt Nam