Quy định cụ thể về khiếu nại lần hai

Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết các điều khoản của Luật Khiếu nại, gồm: Khoản 2 Điều 3 về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong đơn vị sự nghiệp công lập; khoản 4 Điều 8 về nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung; khoản 3 Điều 41 về công khai quyết định giải quyết khiếu nại; khoản 4 Điều 46 về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; khoản 2 Điều 58 về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực pháp luật.

Quy định một số biện pháp thi hành Luật Khiếu nại gồm: hình thức khiếu nại; khiếu nại lần hai; đại diện thực hiện việc khiếu nại; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; xem xét việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật; xử lý hành vi vi phạm.

Về hình thức khiếu nại, Nghị định quy định: Hình thức khiếu nại được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 của Luật Khiếu nại. Đơn khiếu nại được thực hiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này.

Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này.

Đối với khiếu nại lần hai, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 28 của Luật Khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

Trường hợp khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

Trường hợp quá thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì người khiếu nại gửi đơn đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai, nêu rõ lý do và gửi kèm các tài liệu có liên quan về vụ việc khiếu nại. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai phải xem xét thụ lý giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai. Quyết định giải quyết khiếu nại trong trường hợp này là quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.

Người giải quyết khiếu nại lần hai áp dụng biện pháp xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu nếu có hành vi vi phạm pháp luật.

Việc ủy quyền phải bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng

Liên quan đến đại diện thực hiện việc khiếu nại, Nghị định quy định: Người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại. Việc xác định người đại diện được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

Cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại thông qua người đại diện theo pháp luật. Người đại diện của cơ quan, tổ chức được ủy quyền cho luật sư hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.

Việc ủy quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 nêu trên phải bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng. Người ủy quyền được ủy quyền khiếu nại cho một người hoặc nhiều người về các nội dung ủy quyền khác nhau nhưng không được ủy quyền một nội dung cho nhiều người thực hiện.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng cùng các sở ngành, địa phương liên quan tiếp công dân đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. (Ảnh minh họa) 

Người khiếu nại đang thực hiện việc khiếu nại bị chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế theo quy định của pháp luật thì người thừa kế có quyền khiếu nại; người thừa kế khi khiếu nại phải xuất trình với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giấy tờ để chứng minh quyền thừa kế của mình. Người thừa kế có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp có nhiều người thừa kế thì những người đó có quyền ủy quyền cho một trong những người thừa kế hoặc luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.

Bên cạnh đó Nghị định còn quy định, khi nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại. Người đại diện phải là người khiếu nại.

Việc cử đại diện được thực hiện như sau: Trường hợp có từ 5 đến 10 người khiếu nại thì cứ không quá 2 người đại diện; trường hợp có từ 11 người khiếu nại trở lên thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 5 người đại diện.

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai

Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định nêu rõ: Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của viên chức do mình quản lý trực tiếp.

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cấp dưới đã giải quyết mà còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập không có đơn vị sự nghiệp công lập cấp trên trực tiếp thì người đứng đầu cơ quan nhà nước quản lý đơn vị sự nghiệp công lập đó có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

Khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của đơn vị sự nghiệp công lập do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền giải quyết mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật Khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai phải thụ lý giải quyết. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung và cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại thì thụ lý khi trong đơn khiếu nại có đầy đủ chữ ký của những người khiếu nại và có văn bản cử người đại diện theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này. Trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do trong văn bản thông báo cho người khiếu nại. 

Về nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm, Nghị đinh quy định: Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, người có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật mà có hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật theo quy định tại các điều 40, 41 và 42 của Nghị định này. Hình thức xử lý kỷ luật bao gồm khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

P.V