Sáng ngày 14/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2020.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2020, “tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi”.

Trong kỳ báo cáo, có 2 người bị tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao và 1 người bị đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao do có xung đột lợi ích.

leftcenterrightdel
 Phiên họp thứ 48 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Qua kiểm tra thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, các cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật 56 người, xử lý hình sự 64 người; kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 43 tỷ đồng, đã được thu hồi và bồi thường gần 23 tỷ đồng.

Cùng với đó, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 178 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (tăng 32% so với năm 2019).

Việc thực hiện quà tặng, nộp lại quà tặng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Năm 2020, có 3 trường hợp nộp lại quà tặng trị giá 31,8 triệu đồng. Trong khi, cùng kỳ năm trước không có trường hợp nộp lại.

Các cấp, ngành đều chú trọng triển khai thực hiện Luật PCTN năm 2018. Nhiều trường hợp cán bộ đã được tạm đình chỉ kịp thời để phục vụ điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Báo cáo của Chính phủ dẫn chứng trường hợp Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến…

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Đức Chung trong 1 phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hộị.

Cũng trong kỳ báo cáo có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người (tăng 66,1% so với năm 2019); trong đó có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, nghiêm minh. Các vụ án thụ lý đưa ra xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, không có oan sai, bỏ lọt tội phạm, được dư luận và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Các cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực, phối hợp ngày càng chặt chẽ, bài bản hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu.

Theo Luật PCTN năm 2018, việc kê khai tài sản lần đầu phải hoàn thành trước 31/12/2019 nhưng do Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập chưa được ban hành nên việc kê khai tài sản, thu nhập chưa thực hiện được.

Báo cáo cho thấy, dự thảo nghị định đã được trình Chính phủ. Song Thủ tướng xét thấy có nội dung cần xin ý kiến của Ban Bí thư. Hiện Thanh tra Chính phủ đang phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để xin ý kiến theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Chính phủ khẳng định, việc kê khai tài sản, thu nhập liên quan đến nhân sự chủ chốt phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp đã được tiến hành nghiêm túc theo đúng Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

Đặc biệt, đã chủ động, tập trung xác minh, truy tìm và triển khai ngay các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát đạt tỷ lệ cao, nhiều vụ thu hồi 100% số tiền thiệt hại.

Theo báo cáo của Chính phủ, với vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng nói chung đã thi hành xong 2.584 việc (chiếm 61,95% tổng số việc có điều kiện thi hành, tăng 222% so với 9 tháng năm 2019) với số tiền hơn 11.390 tỷ đồng (chiếm 23,25% tổng số tiền có điều kiện thi hành, tăng 84,51% so với 9 tháng năm 2019).

Còn những vụ án diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo, tính đến hết hết ngày 31/7/2020, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã tổ chức thi hành 58 vụ việc. Trong đó, 15 vụ việc đã được tổ chức thi hành xong với số tiền gần 19.262 tỷ đồng. Riêng những tháng đầu năm 2020, đã thi hành được số tiền hơn 10.442 tỷ đồng, bằng 54% tổng số tiền đã thi hành xong từ trước đến nay.

Hiện, 43 vụ việc thuộc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo với tổng số tiền phải thi hành 55.278 tỷ đồng đang được tổ chức thi hành án.

Chính phủ dự báo, thời gian tới, công tác PCTN sẽ tiếp tục đạt được kết quả toàn diện, tích cực, đậm nét; tham nhũng bước đầu được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2021, Chính phủ đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tiêu cực, tham nhũng như các dự án đầu tư lớn, quản lý, sử dụng đất đai; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước…

Xác minh, điều tra làm rõ hành  vi tham nhũng, chiếm đoạt trong các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, sai phạm kinh tế; đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm…

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, đặc biệt là trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ; tăng cường hoạt động giám sát công tác PCTN, nhất là việc triển khai thi hành các quy định mới của Luật PCTN năm 2018.

Đồng thời đề nghị, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát được phát hiện qua hoạt động tố tụng, kiểm toán Nhà nước; tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, kiên quyết không để xảy ra tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhất là các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN.

Xuân Hưng