Ép buộc người khác uống rượu bia bị phạt đến 3 triệu đồng

Có hiệu lực từ ngày 15/11, Nghị định 117 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế lần đầu đưa ra các mức phạt mới, như: phạt tiền từ 500.000 đến một triệu đồng với hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia; phạt từ một đến 3 triệu đồng nếu ép buộc người khác uống rượu bia...

Ngoài ra, nghị định cũng quy định xử phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; không niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi tại vị trí dễ nhìn.

Hành vi mở mới điểm bán rượu, bia gần cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, cơ sở giáo dục phổ thông sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.

leftcenterrightdel
Ép buộc người khác uống rượu bia bị phạt đến 3 triệu đồng. Ảnh minh họa 

Học sinh có thể được dùng điện thoại trong lớp

Có hiệu lực từ 1/11, Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT quy định học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông nếu được giáo viên cho phép và để phục vụ học tập, có thể được dùng điện thoại di động và các thiết bị khác trong giờ học.

Quy định có hiệu lực từ năm 2011 nêu rõ học sinh bị cấm dùng điện thoại di động, máy nghe nhạc trong giờ học dưới mọi hình thức.

Tương tự với giáo viên, thay vì cấm thì trong giờ học cũng sẽ được phép "sử dụng điện thoại di động".

Tăng mức thưởng cho học sinh, sinh viên đoạt giải quốc tế

Theo Nghị định 110, có hiệu lực từ 1/11, mức thưởng cho học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong kỳ thi Olympic quốc tế các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế, thi kỹ năng nghề thế giới sẽ tăng gấp 3 lần so với Quyết định 158 năm 2002.

Cụ thể với trường hợp được huy chương vàng hoặc giải nhất mức thưởng sẽ tăng từ 15 lên 55 triệu đồng; huy chương bạc hoặc giải nhì tăng từ 10 lên 35 triệu đồng; huy chương đồng hoặc giải ba tăng từ 7 lên 25 triệu đồng; khuyến khích tăng từ 3 lên 10 triệu đồng.

Ngoài ra, học sinh, sinh viên đoạt giải còn được tặng Huân chương lao động hoặc Bằng khen tùy theo thành tích đạt được.

Quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập


Nghị định 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.

Nghị định quy định cụ thể 2 căn cứ xác định vị trí việc làm và 3 căn cứ xác định số lượng người làm việc.

Chính phủ yêu cầu chậm nhất đến hết ngày 30/6/2021, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý; Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Chậm nhất sau 03 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn, các bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

Sửa quy định số lượng Phó Giám đốc sở, Phó Trưởng phòng

Có hiệu lực từ ngày 25/11/2020, Nghị định 107/2020/NĐ-CP ban hành ngày 14/09/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo Nghị định, bình quân mỗi sở có 3 Phó Giám đốc. Căn cứ số lượng sở được thành lập và tổng số lượng Phó Giám đốc, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng Phó Giám đốc của từng sở cho phù hợp. Riêng thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài tổng số lượng Phó Giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc.

Nghị định cũng bổ sung quy định số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở. Cụ thể, phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có dưới 10 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có dưới 9 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 8 biên chế công chức được bố trí 1 Phó Trưởng phòng.

Giảm 1 Phó phòng của cơ quan chuyên môn cấp huyện từ 25/11


Có hiệu lực từ ngày 25/11/2020, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ban hành ngày 14/09/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện).

Nghị định số 108/2020/NĐ-CP quy định bình quân mỗi phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có 02 Phó Trưởng phòng. Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng Phó Trưởng phòng, UBND cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp. Trước đó, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định số lượng Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không quá 03 người.

Phạt đến 200 triệu đồng VPHC trong lĩnh vực y tế

Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ban hành ngày 28/09/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.

Nghị định quy định, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về dân số là 30 triệu đồng đối với cá nhân và 60 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về bảo hiểm y tế là 75 triệu đồng đối với cá nhân và 150 triệu đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Tuệ Anh(T/h)