leftcenterrightdel
Kiểm lâm lực lượng nòng cốt bảo vệ rừng 

Trước thông tin Nghị định về Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách ra đời sẽ có quy định về việc chuyển lực lượng kiểm lâm ra ngoài quản lý trực tiếp của các “chủ rừng”. Vì thế, các Ban quản lý rừng đặc dụng lo ngại rừng sẽ bị xâm hại nếu họ không quản lý lực lượng chuyên trách là kiểm lâm. Trao đổi với PV báo Bảo vệ pháp luật, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp, ông Nguyễn Quốc Trị lý giải những khúc mắc trước khi Nghị định được Chính phủ thông qua

Tại khoản 1 Điều 11 của dự thảo Nghị định có quy định: “Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ là tổ chức hành chính thuộc Cục Kiểm lâm đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do Trung ương quản lý; thuộc Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do địa phương quản lý”.

Nghĩa là Nghị định mới sẽ quy định về việc những Hạt kiểm lâm sẽ phân cấp theo sự quản lý từ Cục kiểm lâm kể cả BQL rừng có Hạt kiểm lâm. Như vậy, các BQL rừng đặc dụng sẽ không điều chỉnh được lực lượng kiểm lâm chuyên trách tại các khu rừng mà họ quản lý. Chính điều này các BQL rừng sợ mất rừng. Trước đây, theo Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động kiểm lâm (Nghị định vẫn có hiệu lực) thì  không quy định cụ thể lực lượng kiểm lâm tại các BQL các khu rừng đặc dụng trực thuộc tổ chức nào, lực lượng này do Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh quyết định căn cứ theo tình hình thực tiễn của công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng. Và hiện tại, hạt kiểm lâm ở các khu rừng đặc dụng đều do Ban Quản lý rừng trực tiếp quản lý.

Giải quyết những thắc mắc này ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm Nghiệp cho biết:

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp 

Về quan điểm việc xây dựng Nghị định quy định về Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách phải quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, của nhà nước tại các nghị quyết về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhằm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Bảo đảm thống nhất và phù hợp với Luật Lâm nghiệp và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Cụ thể, căn cứ vào khoản 3, Điều 105  của Luật Lâm nghiệp đã quy định: Kiểm lâm trong vườn quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài- sinh cảnh, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển thuộc Kiểm lâm ở trung ương hoặc ở cấp tỉnh được tổ chức trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Do đó, có thể khẳng định việc quy định  lực lượng kiểm lâm có thuộc các BQL rừng đặc dụng, phòng hộ hay không là phụ thuộc vào tình hình thực tế của công tác bảo vệ rừng tại địa phương và do Bộ NN&PTNT quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ thuộc Trung ương quản lý; UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ thuộc địa phương quản lý.

Việc quy định giữ nguyên mô hình tổ chức Kiểm lâm rừng đặc dụng như hiện nay là không phù hợp quy định tại khoản 3 Điều 105 Luật Lâm nghiệp như nói trên. Do vậy việc xây dựng Nghị định cũng nhằm mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ rừng, giải quyết những bất cập của lực lượng kiểm lâm hiện nay là rất cần thiết.

Theo quy định, kiểm lâm là cơ quan quản lý hành chính nhà nước, có chức năng bảo đảm chấp hành pháp luật, có thẩm quyền điều tra, khởi tố, xử lý nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Trong khi hiện nay về cơ bản tại các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng thì lực lượng này là viên chức, trực thuộc quyền quản lý của chủ rừng (đơn vị sự nghiệp) nên không thực hiện được thẩm quyền theo quy định. Do vậy, cần thiết phải quy định về tổ chức kiểm lâm rừng đặc dụng, phòng hộ cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và quy định hiện hành. Để lực lượng này có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích của chủ rừng; kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ rừng của chủ rừng theo quy định của pháp luật.

Nghị định này không quy định rút lực lượng bảo vệ rừng ra khỏi khu rừng đặc dụng, phòng hộ, mà căn cứ vào tiêu chí và  yêu cầu, nhiệm vụ về bảo vệ rừng, cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập tổ chức Kiểm lâm hay lực lượng  bảo vệ rừng  để việc thực thi pháp luật theo đúng quy định và việc bảo vệ rừng có hiệu quả hơn.

Trường hợp không thành lập tổ chức Kiểm lâm thì các chủ rừng thành lập Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo quy định tại Điều 41 Luật Lâm nghiệp; viên chức kiểm lâm của chủ rừng hiện có thì chuyển sang lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và được hưởng các chính sách theo quy định của pháp luật. Mục tiêu là rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn.   

Dự kiến Nghị định sẽ được ban hành  trong năm nay.   

Lê Sử