Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11-7-2013 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đó, một trong những nguyên tắc cơ bản nhất khi doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đầu tư vốn ra ngoài DN là phải bảo toàn và phát triển vốn khi đầu tư. Đây được coi là một biện pháp quan trọng để ngăn chặn tình trạng DNNN đầu tư tràn lan, kém hiệu quả gây thất thoát ngân sách như thời gian vừa qua.
 


Cụ thể, theo Nghị định, để đầu tư vốn nhà nước vào DN phải đảm bảo các nguyên tắc: tạo ra ngành, lĩnh vực cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh; thực hiện điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô mang tính chiến lược cho từng giai đoạn; Đầu tư phải đúng mục tiêu, có hiệu quả, phù hợp với từng dự án đầu tư và phải thực hiện công khai, minh bạch... Đặc biệt, một nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất đó là đầu tư vốn nhà nước vào DN phải làm gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư tại DN. Theo Nghị định, định kỳ 6 tháng, hàng năm, DN phải đánh giá hiệu quả sử dụng vốn thông qua chỉ tiêu mức độ bảo toàn vốn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, Nghị định nêu rõ quy định về điều kiện đầu tư vốn nhà nước vào DN bao gồm: Dự án có tổng vốn đầu tư từ 35 nghìn tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước từ 11 nghìn tỷ đồng trở lên; và dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; công trình đầu tư đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh…

Theo Nghị định, các hình thức đầu tư vốn ra ngoài DN gồm: Góp vốn, mua cổ phần để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, góp vốn hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân mới; Mua lại một DN khác để hình thành một pháp nhân mới; Mua công trái, trái phiếu để hưởng lãi; Mua cổ phần hoặc góp vốn tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh đang hoạt động và các hình thức đầu tư khác ra ngoài DN theo quy định của pháp luật.

Đáng lưu ý, theo Nghị định, trừ những DN có ngành nghề kinh doanh chính là lĩnh vực bất động sản, những trường hợp đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các DN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán... Các DN đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực trên không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư phải có phương án cơ cấu lại và thực hiện thoái hết số vốn đã đầu tư theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Việc chuyển nhượng các khoản đầu tư vốn ra ngoài DN được thực hiện theo quy định của Luật DN, Luật Chứng khoán và các quy định hiện hành của pháp luật. Theo đó, đối với chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch UPCOM thì DN được chủ động thực hiện theo các phương thức khớp lệnh, đấu giá, thỏa thuận hoặc chào bán cạnh tranh nhưng không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán; Trong trường hợp chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết, DN thực hiện đấu giá trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn. Song, trường hợp chuyển nhượng các khoản đầu tư có giá trị tính theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên thì DN phải thực hiện đấu giá qua Sở giao dịch chứng khoán.
 

Huyền Trang