Như báo Bảo vệ pháp luật điện tử đã thông tin, rạng sáng ngày 09/2 (Tứ là 24 tháng Chạp), UBND huyện Hương Khê tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ trước Tết nguyên đán tại chợ Sơn (Thị trấn Hương Khê). Cùng đi, có ông Lê Ngọc Huấn- Chủ tịch UBND huyện Hương Khê.

Đến khoảng 5h sáng cùng ngày, xảy ra xích mích giữa các tiểu thương và thành viên Đoàn kiểm tra. Tiểu thương bán thịt lợn là Nguyễn Thị Loan (SN 1980) đã hắt tiết lợn trúng người Chủ tịch UBND huyện và một số thành viên trong đoàn. Cơ quan điều tra Công an huyện Hương Khê đã khởi tố Nguyễn Thị Loan về tội "Làm nhục người khác".

Nguyên nhân dẫn đến hành vi của Nguyễn Thị Loan, được nhiều người dân tại chợ Sơn cho biết, vì trước đó ông Lê Ngọc Huấn có tát một người dân tại chợ, nên rất nhiều người bức xúc, trong đó có chị Loan.

 
 Chủ tịch UBND huyện Hương Khê và 1 chiến sỹ Công an huyện bị tiểu thương hắt tiết lợn lên người.

Bị tát vì đòi tiền hỗ trợ lợn chết do dịch bệnh?

Chị Trần Thị Hiền (SN 1979), trú tại xóm 3 xã Gia Phố (Hương Khê), người trực tiếp tố ông Lê Ngọc Huấn tát vào mặt chị ngay giữa chợ cho biết, lúc đó chị lại gần ông Huấn để đòi tiền hỗ trợ lợn chết do dịch bệnh lây lan từ lò mổ tập trung, thì bị ông Huấn tát vào mặt.

“Tôi bảo thanh toán tiền hỗ trợ lợn dịch để về trả cho dân. Lúc này ông giơ tay lên vào hỏi tôi thích gì, tôi cũng chỉ bảo thích tiền để về trả nợ cho dân, thì ông Huấn bất ngờ tát vào mặt tôi” - chị Hiền cho biết.

 
 Chị Trần Thị Hiền tố ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê tát chị vào mặt ngay tại chợ Sơn.

Theo chị Hiền, tháng 9/2017 dịch lở mồm long móng xuất hiện ở lò giết mổ tập trung đóng tại xã Gia Phố, có khoảng 15 con bị dịch bệnh phải tiêu hủy. Người dân yêu cầu phải có hỗ trợ mới được tiêu hủy lợn. Tại cuộc họp, ông Huấn đã hứa hỗ trợ 75% giá trị mỗi con lợn mua vào nhưng sau đó không thực hiện, nên lúc gặp ông Huấn đi kiểm tra ở chợ Sơn, chị đã lên tiếng đòi tiền cho dân như lời ông Huấn hứa.

Khẳng định có việc ông Huấn tát chị Hiền, bà Phạm Thị Loan (tiểu thương chợ Sơn) cho biết, khi đang ngồi dọn hàng ra bán thì thấy ông Huấn và chị Hiền có nói chuyện và sau đó chị Hiền bất ngờ bị ông Huấn tát vào mặt.

 
 bà Phạm Thị Loan (tiểu thương chợ Sơn) khẳng định mình thấy ông Huấn tát vào mặt chị Hiền.

Chị Phạm Thị Hương, trú tại thị trấn Hương Khê cũng khẳng định, đã nhìn thấy ông Huấn dùng tay phải tát chị Hiền vào mặt: “Tôi thấy ông Huấn đi dưới lên thì gặp chị Hiền. Lúc này chị ấy nói gì với ông Huấn thì tôi không nghe rõ vì chợ ồn. Vì đứng trước mặt tôi, nên khi nhìn lên thì thấy ông Huấn tát chị Hiền bằng tay phải, tát nặng hay nhẹ thì tôi không biết”- chị Hương cho biết.

Là người bị khởi tố về hành vi hắt tiết lợn lên người Chủ tịch huyện, chị Nguyễn Thị Loan (SN 1980) cho biết, sự việc xảy ra lúc đó khoảng 5h sáng.

Khi đó tôi đang mua thịt ở quầy chị Kiều bán thịt bò, nghe tiếng la lên “Trời ơi cán bộ đập dân” nên tội chạy lại, thấy chị Hiền (là chị em họ với chị Loan- PV) đang cầm tay ông Huấn và nói “Sao con hỏi tiền chú mà chú lại đập con”. Lúc đó trên mặt chị Hiền có vết máu và người ông Huấn cũng đã có vết máu”- Chị Loan kể.

Theo chị Loan, chị có chất vấn ông Huấn vì sao lại đập chị Hiền: “Khi đó có chai tiết ở bàn của chị Tú, tôi cầm lên tay và nói “Sao lại đập em tôi”. Vì quá hoảng loạn và mất bình tĩnh, tôi đã lỡ tay vẫy cả chai tiết vào những người nào thì tôi cũng không rõ”- Chị Loan cho biết.

 
 Hiện trường chợ Sơn, nơi xảy ra vụ việc tiểu thương hắt tiết lợn lên người Chủ tịch UBND huyện.

Chủ tịch huyện phủ nhận tát dân

Làm việc với PV, ông Lê Ngọc Huấn- Chủ tịch UBND huyện Hương Khê phủ nhận việc tát chị Hiền.

“Ở tại chợ, chị Hiền nói nếu hôm nay không trả tiền thì tôi không ra được khỏi chợ. Chị Hiền giữ tay tôi lại và lực lượng Công an đã đến, gỡ tay chị Hiền ra khỏi tay tôi chứ tôi không đánh hay đập gì hết”- ông Huấn khẳng định.

Theo ông Huấn, lúc đó người dân ùa đến, ông và 2 chiến sỹ Công an bị hắt tiết lợn lên người. Sau này Công an điều tra, đã xác định chị Loan là người đã hắt tiết lợn và khởi tố.

Về chuyện đền bù hỗ trợ lợn chết do dịch bệnh, ông Huấn cho biết: “Lợn đền bù là theo chính sách của Nhà nước, là dành cho những người chăn nuôi mà họ tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn bị dịch. Còn đây bị dịch tại lò mổ thì không được bồi thường hỗ trợ. Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ trình lên lãnh đạo để xin hỗ trợ cho người dân”.

Hiện vụ việc vẫn đang được Công an huyện Hương Khê điều tra, làm rõ.

Bùi Văn - Nam Hoài