Tại Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVIII, đồng chí Lê Văn Đông, Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: năm 2021 các cơ quan tố tụng đã chủ động phối hợp, triển khai thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, góp phần tích cực đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo hành lang pháp lý và môi trường đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, nhiều loại tội phạm đã được kiềm chế. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, số vụ án xảy ra giảm nhưng số bị can tăng. Tính chất, mức độ hoạt động tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Đáng chú ý, trong năm 2021, tội phạm giết người có chiều hướng gia tăng, đã phát hiện khởi tố 75 vụ, 114 bị can về tội giết người.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử…trong đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng.

leftcenterrightdel
Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Đông báo cáo trước HĐND tỉnh, Khóa VI, nhiệm kỳ 2021 -2026 (ảnh ĐN) 

Tội phạm về ma tuý diễn biến hết sức phức tạp; phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thường xuyên thay đổi để ứng phó với lực lượng chức năng. Hình thức sử dụng ma tuý đa dạng với những phương thức sử dụng ngày càng đơn giản, nhanh gọn. Đối tượng sử dụng ma tuý ngày càng nhiều, trẻ hoá, có cả nam giới và nữ giới, nhiều đối tượng là người dân tộc thiểu số. Tội phạm về tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Về hoạt động tư pháp, các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ vẫn còn xảy ra một số thiếu sót, vi phạm.

Năm 2021, VKSND hai cấp tỉnh Thanh Hoá đã đạt và vượt 122/122 chỉ tiêu nghiệp vụ cơ bản, trong đó có 59 chỉ tiêu vượt yêu cầu, 37 chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2020. Điển hình, trách nhiệm công tố được tăng cường ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; các trường hợp bị bắt, tạm giữ về hình sự đảm bảo đúng căn cứ pháp luật....

Trong hoạt động công tác kiểm sát, VKS hai cấp đã ban hành 66 kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Trong đó, Viện trưởng VKSND tỉnh ban hành 3 kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh về việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm giết người, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội và trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở các kiến nghị của Viện trưởng VKSND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng trên địa bàn toàn tỉnh có biện pháp chấn chỉnh, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng đề án phòng ngừa tội phạm giết người và cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá theo kiến nghị của VKSND tỉnh.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh HĐND tỉnh lần thứ 4, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (ảnh PV) 
Bên cạnh đó, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh đã bám sát và tuân thủ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát, phối hợp của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ trong hoạt động công tác kiểm sát, công tác xây dựng ngành. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với các đơn vị VKSND cấp huyện trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành và nhiệm vụ chính trị địa phương. Đồng thời chủ động phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án nhân dân tỉnh triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

Năm 2021, VKSND tỉnh tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; tăng cường sử dụng văn bản điện tử, ứng dụng chữ ký số, từng bước thay thế văn bản giấy trong quản lý, điều hành và trao đổi thông tin… Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin vào “Số hoá hồ sơ” ở các khâu công tác nghiệp vụ, chú trọng ứng dụng các phần mềm quản lý văn bản chỉ đạo, điều hành, phần mềm thư điện tử nội bộ, hệ thống hội nghị trực tuyến và các phần mềm khác của ngành... 

Tuy nhiên, báo cáo của VKSND tỉnh cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp ở một số đơn vị chưa toàn diện; hiệu lực, hiệu quả hoạt động công tác ở một số VKSND cấp huyện chưa cao…

Theo đó, trên cơ sở các kết quả đạt được trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của năm 2021, VKSND tỉnh sẽ tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại và đưa ra phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2022.

 Trọng tâm là tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025; các đạo luật về tư pháp, nhất là các đạo luật mới được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ năm 2021. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành các nhiệm vụ, đạt và vượt các chỉ tiêu quy định tại Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật..

 

Phạm Ngọc