|
|
Đồng chí Trần Công Phàn, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ. |
VKSND tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2020).
Tới dự buổi Lễ có đồng chí Trần Công Phàn, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, Viện cấp cao tại TP HCM; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận; đồng chí Vũ Văn Diến, Tỉnh ủy viên, Viện trưởng VKSND tỉnh; các đồng chí Phó Viện trưởng Lê Văn Trữ, Nguyễn Quang Tuyến, Nguyễn Thành Minh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.
Tại buổi Lễ, đồng chí Vũ Văn Diến đã phát biểu ôn lại lịch sử hình thành và phát triển qua 60 năm của ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và 44 năm của VKSND tỉnh Lâm Đồng nói riêng; điểm lại những thành tích nổi bật của ngành Kiểm sát tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
|
|
Đồng chí Vũ Văn Diến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng ôn lại lịch sử hình thành và phát triển qua 60 năm của ngành Kiểm sát nhân dân. |
Ôn lại lịch sử, truyền thống 44 năm xây dựng và phát triển của VKSND tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Vũ Văn Diến nhấn mạnh: “VKSND tỉnh Lâm Đồng được thành lập vào năm 1976. Từ những ngày đầu đất nước vừa thống nhất, với số lượng cán bộ còn ít, cơ sở vật chất phục vụ công tác còn thiếu, đến nay VKSND tỉnh Lâm Đồng đã có một tập thể cán bộ lớn mạnh về số lượng và chất lượng.
Từ chỗ chưa qua một trường lớp đào tạo chuyên môn nào, đến nay đội ngũ cán bộ công chức kiểm sát nhân dân của tỉnh đã có nhiều đồng chí có trình độ Đại học, Cao đẳng và trên đại học, đa số đã được tôi luyện trong đấu tranh, thử thách qua thực tiễn, nên có bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Ngành, đáp ứng được những đòi hỏi cấp bách của nhiệm vụ chính trị tỉnh nhà qua các thời kỳ với những nhiệm vụ khác nhau”.
Trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp hình sự, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng không ngừng đổi mới, có nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả công tác cả về số lượng và chất lượng, đã tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự, đề cao trách nhiệm trong công tác kiểm sát xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiểm sát việc khởi tố và hoạt động điều tra.
Tích cực, chủ động phối hợp với các Ngành xây dựng Quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm. Tăng cường ban hành kiến nghị cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan có biện pháp hiệu quả trong chấn chỉnh, khắc phục nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Đã kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi hơn 150 dự án thuê đất, thuê rừng với tổng diện tích thu hồi hơn 25 ngàn ha, trị giá hàng ngàn tỷ đồng do sử dụng không đúng mục đích.
Chú trọng tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan tố tụng, hàng năm xác định nhiều vụ án điểm đưa ra xét xử lưu động nhằm góp phần công tác tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương; chọn đựơc nhiều vụ án hình sự, dân sự, hành chính để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp.
Tỷ lệ truy tố đạt tỷ lệ rất cao, số vụ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung hầu như không đáng kể; không có trường hợp nào Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội, hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm. Trách nhiệm công tố, chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa tiếp tục được nâng lên, hoạt động công tố, kiểm sát tư pháp được nhân dân đồng tình ủng hộ, ghi nhận và đánh giá cao.
Kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, VKSND tỉnh đã đề ra 9 giải pháp về công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự, hành chính; đề cao trách nhiệm kiểm sát chặt chẽ, ngay từ việc thụ lý, giải quyết yêu cầu khởi kiện của Tòa án; phân công Kiểm sát viên có năng lực, nghiên cứu, kiểm sát lập hồ sơ; trực tiếp tham gia phiên họp, phiên Tòa trình bày quan điểm đề nghị của VKS đảm bảo lập luận, viện dẫn chứng cứ, pháp luật có sức thuyết phục, được Tòa án chấp nhận cao; kiên quyết yêu cầu Tòa án hoãn phiên Tòa, bổ sung chứng cứ; phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị kịp thời; phối hợp với Tòa án giải quyết vụ, việc vướng mắc, phức tạp, nhất là vụ, việc quá thời hạn, góp phần bảo vệ quyền lợi của đương sự, tài sản của nhà nước, tính thống nhất của pháp luật.
VKSND tỉnh đã làm tốt vai trò tham mưu cho Ban chỉ cải cách tư pháp, chỉ đạo thực hiện chiến lược cải cách tư pháp tỉnh, trong đó đã tham mưu Ban chỉ đạo để Thường trực Tỉnh Ủy ban hành các Chỉ thị về công tác tư pháp và triển khai 7 đạo luật về tư pháp trên địa bàn tỉnh.
|
|
Các tiết mục văn nghệ tại buổi Lễ. |
Với những kết quả đạt được, ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba (năm 1984), hạng Nhì (2010), Huân chương lao động hạng I (2016) và 5 lần được nhận Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2005, 2014, 2016, 2017, 2018), nhiều lần nhận Cờ thi đua, Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao. Đã có 4 tập thể, 1 cá nhân được tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba của Chủ tịch nước; nhiều tập thể Viện kiểm sát nhân dân huyện và các phòng thuộc VKSND tỉnh được nhận Bẳng khen của Thủ tướng Chính Phủ, nhận cờ thi đua dẫn đầu khối do Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; nhiều cá nhân được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua các cấp.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận; đồng chí Trần Công Phàn, Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận những thành tích mà VKSND tỉnh Lâm Đồng đã đạt được, nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những kết quả, thành tựu mà ngành Kiểm sát nhân dân nói chung đạt được trong 60 năm qua và VKSND tỉnh Lâm Đồng nói riêng đạt được trong 44 năm qua.
Hai đồng chí cũng lưu ý VKSND tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện tốt những quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức VKSND năm 2014, các đạo luật về tư pháp và các chương trình cải cách tư pháp; thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Ngành. Đặc biệt là tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các họat động tư pháp, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa, thực hiện tốt các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, tăng cường công tác kiến nghị, kháng nghị...
Cùng với đó tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, gắn xây dựng ngành với xây dựng Đảng, đề cao kỷ luật kỷ cương công chức, đẩy mạnh các cuộc vận động nhằm rèn luyện mỗi cán bộ kiểm sát thực sự công tâm, bản lĩnh, kỷ cương, trách nhiệm; phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan làm tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Cùng ngày, VKSND tỉnh Quảng Nam cũng tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2020).
VKSND tỉnh Quảng Nam được thành lập theo Quyết định số 14/QĐ-TC ngày 28/12/1996 của Viện trưởng VKSND tối cao. Đơn vị được thành lập sau khi Quảng Nam và Đà Nẵng được chia tách thành 2 tỉnh từ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Buổi đầu, cơ cấu tổ chức của VKSND tỉnh Quảng Nam gồm 7 phòng nghiệp vụ và 14 VKSND huyện, thị xã với biên chế gồm 132 đồng chí.
|
|
Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh tặng bức trướng với 6 chữ vàng “Đoàn kết - Sáng tạo - Hiệu quả” cho ngành KSND tỉnh Quảng Nam. |
Trong 37 đồng chí công tác tại VKSND Quảng Nam có 11 đồng chí được điều động từ các VKSND cấp huyện lên và có 26 đồng chí cán bộ từ VKSND Quảng Nam - Đà Nẵng chuyển vào. Bước đầu, phần lớn những người làm việc tại VKSND tỉnh Quảng Nam phải sống xa gia đình, gặp muôn vàn khó khăn về ăn ở, đi lại; cơ sở hạ tầng của thị xã Tam Kỳ - lúc bấy giờ là trung tâm hành chính của tỉnh gần như còn hoang sơ, là tâm điểm hứng chịu thiên tai, bão lũ hàng năm. Nhìn toàn cảnh những ngày đầu ngành Kiểm sát Quảng Nam bắt tay vào xây dựng với đầy khó khăn thử thách.
Trong 23 năm qua, VKSND tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Ngành Kiểm sát Quảng Nam đã giải quyết hàng chục ngàn vụ án hình sự, hàng trăm ngàn vụ án, việc dân sự, tham mưu tích cực cho cấp ủy, chính quyền giải quyết xử lý nhiều vụ, việc bức xúc, khiếu nại kéo dài… góp phần có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật và sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Toàn ngành Kiểm sát Quảng Nam đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội, của Ban cán sự đảng VKSND tối cao và Tỉnh ủy Quảng Nam về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; nỗ lực triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tạo được sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, nhất là nhiệm vụ phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm, thực hiện đạt và vượt các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao. Những kết quả công tác của VKS hai cấp tỉnh Quảng Nam đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ quyền con người, quyền công dân; tiếp tục khẳng định thêm niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với các cơ quan tư pháp trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
|
|
Nguyễn Văn Quang – Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự tin tưởng về chặng đường phát triển tiếp theo của đơn vị. |
VKSND hai cấp đã chủ động trở thành một trong nhưng hệ thống cơ quan tham mưu tích cực, khoa học, hiệu quả, đáng tin cậy cho cấp ủy đảng tại địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm nhằm phục vụ có hiệu quả an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, kiến nghị với các cơ quan hữu quan có biện pháp phòng ngừa vi phạm, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2020, toàn ngành Kiểm sát Quảng Nam đã thụ lý, giải quyết 8.500 nguồn tin về tội phạm; thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong lĩnh vực hình sự đối với 5.671 vụ/7.544 bị can; kiểm sát tạm giữ đối với 2.700 người và tạm giam đối với 4.536 bị can; đã truy tố tổng cộng 4.203 vụ/7.013 bị can; kiểm sát xét xử 5.805 vụ/9.159 bị cáo; kiểm sát giải quyết trong lĩnh vực dân sự đối với 21.635 vụ/1339 việc. Khối lượng công việc đã giải quyết ở trên là bằng chứng sinh động nhất cho sự đoàn kết và quyết tâm của đơn vị.
Về cơ cấu tổ chức và công tác cán bộ, VKSND tỉnh Quảng Nam đã xây dựng nên một thành quả đáng ghi nhận, đó là: Tổ chức bộ máy hiện có 11 phòng nghiệp vụ và 18 VKSND huyện, thị xã, thành phố trực thuộc, với 233 công chức và 57 hợp đồng lao động; số lượng KSV hai cấp không ngừng được tăng cường cả về lượng và chất. 100% công chức làm nghiệp vụ Kiểm sát đạt trình độ cử nhân Luật; có 27 đồng chí đạt trình độ Thạc sĩ Luật và nhiều công chức đang tiếp tục dự tuyển để đào tạo trình độ Thạc sĩ. Đội ngũ công chức ngày càng trẻ hóa, vững về chính trị, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, có tinh thần dũng cảm, kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lẽ phải, công lý.
|
|
Các đại biểu dự Hội nghị. |
Với những kết quả đạt được, ngành KSND tỉnh Quảng Nam đã được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương lao động hạng Nhì” năm 2015. Hiện nay đơn vị đã đủ điều kiện để đón nhận “Huân chương Lao động hạng Nhất” và đang trong thời gian đề nghị cấp có thẩm quyền tặng thưởng. Từ năm 2015 đến 2019 đều được Thủ tướng Chính phủ tặng “Cờ thi đua Chính phủ”, Viện trưởng VKSND tối cao tặng “Tập thể lao động xuất sắc”. Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vì “có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam năm 2018”.
Hàng trăm công chức và đơn vị được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý khác: 1 Huân chương Lao động hạng Nhất (VKSND huyện Phước Sơn); 2 Huân chương Lao động hạng Nhì (VKSND huyện Quế Sơn; đồng chí Trần Đình Lân - nguyên Phó Viện trưởng VKSND tỉnh); 2 Huân chương Lao động hạng Ba (Phòng 9, Phòng 1 VKSND tỉnh) cùng nhiều Bằng khen, giấy khen của Thủ tướng Chính phủ và Viện trưởng VKSND tối cao.