Vận dụng linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin

Thực hiện Nghị quyết số 05 ngày 17/6/2021 của Thành ủy Đà Nẵng về chuyển đổi số trên địa bàn Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặc biệt là Chỉ thị số 03/CT-VKSTC của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác ngành Kiểm sát năm 2021, trong đó xác định việc tăng cường ứng dụng (CNTT), thúc đẩy chuyển đổi số trong Ngành là khâu đột phá, trọng tâm của năm 2021 và các năm tiếp theo. Trong năm vừa qua, VKSND TP Đà Nẵng đã chú trọng và đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động, bước đầu đạt một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác nghiệp vụ của Ngành.

Ngay từ đầu năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, VKSND TP Đà Nẵng đã thực hiện theo phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”, chủ động xây dựng phương án làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội kéo dài, trong đó chú trọng việc tăng cường, chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng dụng CNTT, chuyển đổi số.

leftcenterrightdel
VKSND quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hồ sơ công tác chuyên môn. 

Đến thời điểm hiện tại, VKSND hai cấp TP Đà Nẵng đã được trang bị khá đầy đủ, đồng bộ về hệ thống hạ tầng CNTT, 100% cán bộ, công chức bên cạnh nắm vững kiến thức cơ bản về tin học văn phòng, còn sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng để xây dựng mẫu biểu theo dõi, quản lý các bản án, quyết định về hình sự, dân sự, giam giữ và thi hành án, phục vụ hiệu quả công tác kiểm sát và báo cáo, thống kê. 

Trong năm vừa qua, VKSND TP Đà Nẵng đã thành lập Ban chỉ đạo về ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số do đồng chí Viện trưởng VKSND TP làm Trưởng Ban chỉ đạo. VKSND TP Đà Nẵng cũng đã ban hành Quy chế về hệ thống CNTT, tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số,... đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn về bảo vệ bí mật Nhà nước, an toàn, an ninh mạng và chữ ký số cho cán bộ VKSND hai cấp TP Đà Nẵng...

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cuộc họp giao ban tuần của VKSND thành phố và 7 đơn vị VKNSD quận, huyện vẫn được tiến hành thông qua hệ thống phần mềm ROOM MEETTING. Các cuộc họp giao ban đều được trực tuyến đến Viện kiểm sát hai cấp, tạo điều kiện cho công chức, Kiểm sát viên tiếp thu những kinh nghiệm hay, những cách làm mới cũng như những chỉ đạo của lãnh đạo Viện để áp dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác. Để bảo đảm tiến độ giải quyết các vụ án hình sự, đối với người tham gia tố tụng thuộc diện cách ly tập trung, VKSND thành phố đã phối hợp với Cơ quan điều tra lấy lời khai trực tuyến, thực hiện ghi hình có âm thanh, vừa bảo đảm các quy định của tố tụng hình sự, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

Thực hiện số hóa hồ sơ vụ án

Chánh văn phòng VKSND TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Hưng cho biết, trên cơ sở kinh nghiệm thực hiện thí điểm, năm 2021, hai cấp VKSND TP Đà Nẵng đã tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, xác định công tác số hóa hồ sơ là công tác đột phá của đơn vị và những năm tiếp theo nhằm giảm tải áp lực công việc, tối ưu hóa năng lực làm việc của cán bộ và bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ của Ngành giao phó. Nhiều đơn vị như VKSND quận Sơn Trà, VKSND quận Thanh Khê, VKSND quận Liên Chiểu,... đã nhanh chóng áp dụng, triển khai, trở thành những đơn vị tiên phong trên địa bàn TP Đà Nẵng thực hiện việc số hóa hồ sơ để phục vụ cho công tác xét xử và lưu trữ hồ sơ.

Công tác số hóa hồ sơ được triển khai đồng bộ ở hai cấp VKSND TP Đà Nẵng với phương châm bắt đầu số hóa từ những vụ việc đơn giản, ít tài liệu, chứng cứ, giúp cho cán bộ thao tác kỹ thuật thành thạo dần tiến đến số hóa các vụ việc phức tạp hơn, có nhiều dữ liệu điện tử hơn. 

“Là một trong những đơn vị có tổng số lượng vụ việc lớn nhất trên địa bàn TP Đà Nẵng, VKSND quận Thanh Khê luôn chú trọng ứng dụng CNTT, đặc biệt số hóa hồ sơ vụ án để mang lại hiệu quả tốt nhất trong công tác chuyên môn - Viện trưởng VKSND quận Thanh Khê Lê Văn Khương cho biết.

leftcenterrightdel
 Phiên tòa hình sự "số hóa hồ sơ vụ án" tại TP Đà Nẵng.

Qua công tác số hóa hồ sơ, năm vừa qua, VKSND TP Đà Nẵng đã tổ chức thành công 19 phiên tòa có trình chiếu tài liệu, chứng cứ (tăng 4 phiên tòa so với năm 2020), 1 phiên toà rút kinh nghiệm kết hợp số hóa hồ sơ và 3 phiên tòa trực tuyến. Trong đó, có những vụ án liên quan đến đối tượng là người nước ngoài đã được các cơ quan tiến hành tố tụng xác định là án trọng điểm, đưa ra xét xử ngay trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, như vụ án Chen Xian Fa (quốc tịch Trung Quốc) và đồng phạm bị truy tố về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép” quy định tại Điều 348 Bộ luật Hình sự. Để bảo đảm sự thuyết phục, công khai, minh bạch trong quá trình công bố cáo trạng, xét hỏi và tranh tụng đối với bị cáo là người nước ngoài, Kiểm sát viên đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn, nghiệp vụ, trình chiếu tài liệu, hình ảnh, chứng cứ liên quan có trong hồ sơ vụ án được số hóa để làm dẫn chứng.

Hay như vụ án Phan Thanh N. (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự, với nhiều tình tiết phức tạp, bị cáo dùng nhiều thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội nên hồ sơ, dữ liệu điện tử khá  “dày”. Đối với vụ án này, VKSND quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) đã phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm kết hợp số hóa hồ sơ dưới hình thức phiên tòa trực tuyến. Các hình ảnh, âm thanh tại phiên tòa cũng được truyền trực tiếp về trụ sở VKSND quận Sơn Trà. Bị cáo ban đầu còn khai báo chưa thành khẩn, nhưng từ những chứng cứ xác đáng, được trình chiếu rõ ràng tại phiên tòa, bị cáo đã phải cúi đầu nhận tội. 

Với những kết quả đã đạt được trong năm 2021, chỉ số ứng dụng CNTT của VKSND TP Đà Nẵng đã được VKSND tối cao đánh giá đạt xuất sắc, từ xếp thứ 23 vào năm 2020 đến thứ 7 trong toàn Ngành năm 2021 (tăng 16 bậc so với năm 2020).

Lê Thị Tâm