VKSND tối cao vừa có Thông báo số 110/TB-VKSTC ngày 29/5/2024 thông báo kết luận của Viện trưởng VKSND tối cao tại buổi làm việc với Thanh tra VKSND tối cao để các đơn vị biết, thực hiện.
Thông báo số 110/TB-VKSTC nêu rõ, ngày 26/3/2024, Viện trưởng VKSND tối cao đã có buổi làm việc với Thanh tra VKSND tối cao. Sau khi nghe báo cáo của Thanh tra, ý kiến của các đại biểu dự họp, Viện trưởng VKSND tối cao kết luận:
1. Biểu dương thành tích, kết quả tích cực mà Thanh tra VKSND tối cao đã đạt được trong thời gian qua. Qua công tác thanh tra đã phản ánh rõ ưu điểm, hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong các lĩnh vực công tác; kịp thời kiến nghị, tham mưu lãnh đạo VKSND tối cao các biện pháp khắc phục, phòng ngừa, nâng cao hiệu quả các mặt công tác; góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong ngành Kiểm sát nhân dân.
|
|
Thanh tra VKSND tối cao công bố quyết định thanh tra tại Cục 2, VKSND tối cao. |
2. Yêu cầu Chánh Thanh tra VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh chủ động nắm bắt thông tin để lựa chọn đối tượng thanh tra, đặc biệt là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm, tham nhũng tiêu cực. Tiến hành thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, để cảnh báo, phòng ngừa, răn đe, nhắc nhở, uốn nắn công chức, viên chức, người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân, với phương châm "trị bệnh cứu người"; qua thanh tra làm rõ bản chất sự việc, xử lý nghiêm sai phạm do cố ý, ngoan cố, quanh co, né tránh, không thành khẩn, bao che sai phạm; trường hợp do lỗi vô ý, tai nạn nghề nghiệp, đã thành khẩn, chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền, tích cực có biện pháp khắc phục hậu quả có thể xem xét giảm nhẹ trách nhiệm, tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động trong Ngành yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Đối với nội dung, lĩnh vực thanh tra có liên quan đến trách nhiệm của cá nhân thuộc cấp ủy quản lý, cần chủ động phối hợp với cấp ủy có thẩm quyền. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, xét thấy cần thiết các đơn vị Thanh tra có thể đề nghị với lãnh đạo trưng tập công chức có năng lực, trình độ, trách nhiệm tại các đơn vị khác để tham gia Đoàn thanh tra.
3. Yêu cầu Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh bố trí đội ngũ công chức làm công tác thanh tra có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, ý thức kỷ luật cao; có trách nhiệm, kinh nghiệm, tâm huyết với công tác thanh tra; không ngại va chạm, nể nang, né tránh; đảm bảo tính kế thừa, ổn định; lựa chọn người đứng đầu đơn vị Thanh tra công tâm, khách quan, có kinh nghiệm công tác. Trước khi điều động, bổ nhiệm công chức làm công tác thanh tra cần phối hợp, trao đổi với Thanh tra VKSND tối cao về nhân sự dự kiến điều động, bổ nhiệm.
4. Giao Chánh Thanh tra VKSND tối cao hằng năm phối hợp với Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao và Viện trưởng VKSND cấp tỉnh để xác định khâu, lĩnh vực công tác còn hạn chế cần quan tâm; các lĩnh vực phức tạp dễ sai phạm và phát sinh tham nhũng, tiêu cực để định hướng tiến hành thanh tra trong toàn Ngành.
5. Giao Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu lãnh đạo VKSND tối cao quan tâm đối với công chức Thanh tra trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý VKSND các cấp; phối hợp, trao đổi với Thanh tra VKSND tối cao khi thực hiện quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý tại VKSND các cấp.
6. Giao Vụ Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với Thanh tra VKSND tối cao trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền. Nếu có sự chồng chéo trong thẩm quyền giải quyết, lãnh đạo các đơn vị thống nhất, phối hợp giải quyết, tránh để tình trạng chuyển đơn nhiều lần, kéo dài thời hạn giải quyết.
7. Giao Cục Kế hoạch - Tài chính phối hợp với Văn phòng VKSND tối cao tham mưu, đề xuất lãnh đạo VKSND tối cao ban hành chế độ, chính sách hỗ trợ kinh phí cho công chức làm công tác thanh tra trong ngành Kiểm sát nhân dân.