Cùng với sự nỗ lực của ngành KSND và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tư pháp, tội phạm đã được kiềm chế cơ bản. Tuy nhiên tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Sáu tháng đầu năm 2021, đã phát hiện khởi tố 1.405 vụ, 2.412 bị can (tăng 1,9% về số vụ, tăng 9% về số bị can so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó: tội phạm trong lĩnh vực trật tự xã hội, trật tự quản lý hành chính khởi tố 483 vụ, 1.342 bị can (tăng 55 vụ, 59 bị can); tội phạm về kinh tế và xâm phạm sở hữu, môi trường khởi tố 513 vụ, 467 bị can (giảm 77 vụ, tăng 22 bị can); tội phạm về ma tuý khởi tố 402 vụ, 586 bị can (tăng 50 vụ, 124 bị can); tội phạm về tham nhũng, chức vụ khởi tố 7 vụ, 16 bị can (bằng cùng kỳ năm 2020); tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp khởi tố 01 bị can (giảm 3 vụ, 5 bị can).

leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Văn Đông, Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa, báo cáo công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm 2021 tại HĐND tỉnh Khóa XVIII lần 2 (ảnh: PV) 

Tính chất, mức độ hoạt động tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Sáu tháng đầu năm 2021, khởi tố 47 vụ, 80 bị can về tội giết người (tăng 11 vụ, 40 bị can so với cùng kỳ năm 2020).

Trong một số vụ việc, đối tượng và bị hại có quen biết nhau, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội xuất phát từ những mâu thuẫn hết sức đơn giản; một số đối tượng sử dụng hung khí nguy hiểm tấn công vào những vùng xung yếu trên cơ thể gây thương tích nặng và có thể tước đoạt tính mạng bị hại.

Tội phạm cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng diễn biến phức tạp. Đối tượng tổ chức thực hiện hành vi ngày càng tinh vi, quá trình phạm tội có sự phân công vai trò thực hiện chặt chẽ; các đối tượng cầm đầu, chủ mưu thường tạo vỏ bọc, chứng cứ ngoại phạm và không lộ diện khi tổ chức gây án nên gây khó khăn cho công tác điều tra, phát hiện.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thủ đoạn ngày càng tinh vi; các đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi chuyển tiền qua nhiều tài khoản khác nhau hoặc rút tiền qua ATM tại nước ngoài nên khó xác định được đối tượng phạm tội gây khó khăn cho công tác điều tra. Đồng thời, sau khi bị hại chuyển tiền thì đối tượng lập tức chuyển sang nhiều tài khoản khác nên việc phong tỏa, ngăn chặn là rất khó khăn.

Tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, chức vụ, tham nhũng diễn biến phức tạp; đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là người có trình độ, có chức vụ, quyền hạn, thường nghiên cứu, lợi dụng những sơ hở, thiếu sót về chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước để thực hiện hành vi phạm tội; các hành vi tham nhũng thường xảy ra sau một thời gian khá lâu mới bị phát hiện, có nhiều trường hợp đã xảy ra trong nhiều năm, các đối tượng che giấu hành vi phạm tội bằng cách hợp pháp hóa các tài liệu, chứng từ, thậm chí tiêu hủy tài liệu, dẫn đến khó khăn trong công tác thu thập tài liệu, chứng cứ ban đầu của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Cùng với các loại tội phạm nêu trên, tội phạm về ma tuý có chiều hướng gia tăng và tinh vi, liều lĩnh, manh động, ngày càng trẻ hóa...

Nguyên nhân: chủ yếu là do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đến đời sống xã hội; công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn thiếu sót, sơ hở; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở một số địa phương chưa được chú trọng; hệ thống pháp luâṭ chưa hoàn thiêṇ; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; một bộ phận thanh, thiếu niên lười lao động, thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, đạo đức lối sống có mặt xuống cấp nghiêm trọng; các đối tượng phạm tội có ý thức coi thường kỷ cương pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác nên đã giải quyết các mâu thuẫn cá nhân bằng con đường bạo lực; một số đối tượng lợi dụng vào tình hình dịch bệnh COVID -19 để thực hiện hành vi phạm tội,...

Một số vi phạm trong hoạt động tư pháp: cơ quan điều tra không thông báo cho Viện kiểm sát để cử Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm hiện trường; vi phạm thời hạn chuyển giao hồ sơ, các quyết định tố tụng đến Viện kiểm sát; vi phạm trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ.

Tòa án vi phạm trong việc hoãn phiên tòa không đúng quy định của pháp luật; một số vụ án thực hiện trả hồ sơ điều tra bổ sung không đảm bảo căn cứ pháp luật; vi phạm về thời hạn chuyển giao bản án, quyết định.

UBND cấp xã vi phạm trong việc bàn giao hồ sơ để xem xét cấp giấy chứng nhận chấp hành xong bản án; không đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo đối với trường hợp đủ điều kiện; vi phạm trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục người được hưởng án treo.

Cơ quan Thi hành án dân sự vi phạm trong việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm tiền phạt, án phí; vi phạm trong việc phân loại việc có điều kiện thi hành án, chậm xác minh điều kiện thi hành án....

 

Phạm Ngọc