Tham dự Hội nghị có các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; lãnh đạo, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Kiểm sát viên, Điều tra viên và Kiểm tra viên các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao; VKSND cấp cao 1, 2, 3 cùng đại diện lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và chuyên viên làm công tác giải quyết án hình sự VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự các cấp…

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, kết nối điểm cầu chính tại trụ sở VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn ngành KSND.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị tại trụ sở VKSND tối cao.

Tại Hội nghị, đồng chí Lại Viết Quang, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ 7 đã trình bày báo cáo đề dẫn rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử (THQCT và KSXX) các vụ án hình bị cấp giám đốc thẩm hủy điều tra lại, xét xử lại.

Theo báo cáo, trong thời gian từ năm 2018 đến 31/5/2022, các Viện kiểm sát cấp cao 1, 2, 3 và VKSND tối cao đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm hình sự đối với 1527 vụ; trong đó, số vụ bị cấp giám đốc thẩm tuyên hủy bản án để điều tra lại,xét xử lại là 635 vụ.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo VKSND tối cao và các đại biểu dự Hội nghị.

Trên cơ sở nghiên cứu các quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy bản án, quyết định hình sự để điều tra lại, xét xử lại của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao và Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh trong thời gian từ năm 2018 đến tháng 5/2022 cho thấy, những vụ án bị cấp giám đốc thẩm hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại là do các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã có những sai lầm, thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ ảnh hưởng của sai lầm, thiếu sót, vi phạm đối với việc giải quyết đúng đắn vụ án ở giai đoạn tố tụng nào mà Hội đồng giám đốc thẩm tuyên hủy bản án, quyết định để điều tra lại, xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lại Viết Quang, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ 7 trình bày báo cáo đề dẫn tại hội nghị.

Những sai lầm, vi phạm được rút ra từ các vụ án bị cấp giám đốc thẩm hủy bản án để điều tra lại bao gồm: Xác định tội danh không đúng dẫn đến kết án bị cáo về tội nhẹ hơn; bỏ lọt hành vi phạm tội hoặc người phạm tội; xác định tình tiết định khung hình phạt không đúng; đánh giá không đúng các chứng cứ, tài liệu của vụ án, dẫn đến tuyên bị cáo không phạm tội hoặc kết án bị cáo khác với khung hình phạt đã truy tố; xử phạt các bị cáo quá nhẹ, không đủ sức răn đe, không đáp ứng được yêu cầu chống và phòng ngừa tội phạm…

Báo cáo cũng chỉ ra các nguyên nhân, đồng thời nêu lên một số vấn đề cần rút kinh nghiệm từ các vụ án bị cấp giám đốc thẩm tuyên hủy bản án, quyết định để điều tra lại hoặc xét xử lại.

Tiếp đó, Hội nghị đã được nghe các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện kiểm sát các địa phương trình bày các chuyên đề gồm: Những dạng vi phạm thiếu sót, được rút ra từ các vụ án bị cấp giám đốc thẩm hủy điều tra lại hoặc xét xử lại; Kỹ năng, kinh nghiệm xác định tội danh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Kỹ năng, kinh nghiệm về xác định các dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự; Kỹ năng, kinh nghiệm về xác định các tình tiết định khung hình phạt trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự; Kỹ năng, kinh nghiệm nhận diện những vi phạm thiếu sót khi THQCT, KSXX sơ thẩm, KSXX phúc thẩm vụ án hình sự.

Phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao biểu dương Vụ 7 đã chủ trì, các VKSND cấp cao và các đơn vị liên quan đã phối hợp chuẩn bị tốt nội dung, tài liệu Hội nghị.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Đồng chí nhấn mạnh, việc phân tích làm rõ những dạng sai lầm, vi phạm, thiếu sót từ các vụ án bị cấp giám đốc thẩm tuyên hủy để điều tra lại, xét xử lại là hết sức cần thiết, có ý nghĩa thiết thực để Viện kiểm sát các cấp, mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên tránh gặp phải những sai lầm, vi phạm có tính chất tương tự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chính vì thế, Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đánh giá, phân tích và rút kinh nghiệm kịp thời các dạng vi phạm, thiếu sót trong quá trình điều tra, xét xử vụ án hình sự dẫn đến việc cấp giám đốc thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại trong thời gian từ năm 2018 đến 31/5/2022. Đồng thời, phối hợp, trao đổi và chia sẻ các kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn về THQCT, KSĐT, KSXX các vụ án hình sự.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Đăng Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ 7 VKSND tối cao trình bày chuyên đề "Những dạng vi phạm, thiếu sót được rút ra từ những vụ án bị cấp giám đốc thẩm hủy điều tra lại hoặc xét xử lại".

Mục đích cuối cùng là đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế tình trạng bản án, quyết định bị cấp giám đốc thẩm hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại; từ đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác THQCT, KSĐT, KSXX vụ án hình sự trong thời gian tới, đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Đồng chí đề nghị, sau Hội nghị các đồng chí lãnh đạo tiếp tục quán triệt các nội dung, tài liệu của Hội nghị đến các công chức, Kiểm sát viên trong đơn vị; Vụ 7 tiếp tục tổng hợp các vướng mắc, phối hợp với Vụ 14, VKSND tối cao để giải đáp, hướng dẫn cho các đơn vị, VKSND các địa phương để nghiên cứu, vận dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự trực tuyến.

Thay mặt đơn vị được giao tham mưu, thực hiện tổ chức Hội nghị, đồng chí Lại Viết Quang, Vụ trưởng Vụ 7 đã phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng; đồng thời khẳng định, trên cơ sở nội dung chỉ đạo của đồng chí Phó Viện trưởng, trong thời gian tới, Vụ 7 sẽ tăng cường hơn nữa công tác hướng dẫn nghiệp vụ, tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm nghiệp vụ về công tác THQCT, KSĐT, KSXX các vụ án hình sự, nhằm tạo cơ sở thực tiễn giúp Viện kiểm sát cấp dưới thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.

Cao Nguyên