|
|
Đoàn công tác của VKSND tối cao tham gia “Hội nghị thực thi pháp luật Đông Nam Á về phòng, chống tham nhũng”. |
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng phát biểu tại Phiên toàn thể
Hội nghị có sự tham gia của 170 đại biểu bao gồm các đại diện cấp cao và chuyên gia chuyên ngành tham dự Hội nghị khu vực về phòng, chống tham nhũng dành cho các chuyên gia thực thi pháp luật ở Đông Nam Á đại diện cho các bộ thuộc chính phủ, các cơ quan chống tham nhũng và thực thi pháp luật, các cơ quan công tố và các đơn vị tình báo tài chính tại các nước Đông Nam Á và một số quốc gia đại diện cho các khu vực trên thế giới. Việt Nam có đại diện của VKSND tối cao, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tham gia Hội nghị. Đoàn VKSND tối cao do đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng dẫn đầu.
Tại Hội nghị, đồng chí Trưởng đoàn Nguyễn Quang Dũng đã có bài phát biểu tại Phiên toàn thể. Qua bài phát biểu, đồng chí đã bày tỏ tinh thần kiên quyết của Nhà nước Việt Nam cũng như của ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam trong đấu tranh chống tội phạm nói chung và tội phạm về tham nhũng nói riêng. Đồng thời, đồng chí Trưởng đoàn cũng đề cao ý nghĩa và sự quan trọng của việc tổ chức Hội nghị này, chia sẻ những thành quả đã đạt được của Việt Nam, học hỏi kinh nghiệm các nước và kêu gọi các nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hình sự.
Sau Phiên toàn thể, Đoàn đại biểu của VKSND tối cao tham gia các nhóm làm việc với các nước để thảo luận những chủ đề khác nhau liên quan đến phòng, chống tội phạm tham nhũng, bao gồm: Nhóm 1 về tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế để điều tra và truy tố các vụ án tham nhũng liên quan tới nhiều khu vực tài phán; Nhóm 2 về giải quyết mối liên hệ giữa tham nhũng và các tội phạm khác; Nhóm 3 về tăng cường khung pháp lý và thể chế để thu hồi tài sản bị đánh cắp.
Kết thúc phiên làm việc, Ban điều hành hội nghị đưa ra bản Khuyến nghị để lấy ý kiến trong phiên toàn thể cuối cùng. Bản chính thức sẽ được Ban tổ chức gửi đến các quốc gia tham dự sau khi chỉnh lý.
Hoạt động hợp tác bên lề Hội nghị
Tại cuộc họp song phương với bà Noh Kong Lee, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Tư pháp Hàn Quốc, đồng chí Nguyễn Quang Dũng bày tỏ sự cảm kích về những hoạt động hợp tác chặt chẽ và những hỗ trợ của Bộ Tư pháp và Chính phủ Hàn Quốc đối với Việt Nam. Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, với vai trò là Cơ quan trung ương được quy định trong Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự năm 2003 giữa hai nước, hai cơ quan đã phối hợp tích cực và trách nhiệm trong quá trình thực hiện Hiệp định; kết quả thực hiện tương trợ lẫn nhau đạt tỷ lệ cao, so với các quốc gia khác thì hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc được đánh giá có hiệu quả tốt.
Bà Noh Kong Lee bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai cơ quan trung ương trong tương trợ tư pháp hình sự, cụ thể là phân công đầu mối liên hệ trực tiếp để kịp thời trao đổi và đốc thúc tiến độ tương trợ tư pháp. Bộ Tư pháp Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ VKSND tối cao Việt Nam trong việc nâng cao năng lực của Kiểm sát viên, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động điều tra kỹ thuật số, thu thập thông tin từ hệ thống dữ liệu điện tử… Đặc biệt, bà Thứ trưởng mong muốn tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao để thắt chặt quan hệ hợp tác và mở thêm các hoạt động giữa hai Ngành.
Tại cuộc họp với Ông Shervin Majlessi, Trưởng ban phòng chống tội phạm kinh tế, tham nhũng của UNODC, ông Shervin Majlessi đã đề nghị Việt Nam tham gia Mạng lưới toàn cầu của các cơ quan thực thi pháp luật về chống tham nhũng (GlobE Network). Đây là Mạng lưới do Liên hợp quốc đề xướng thành lập vào tháng 6/2021. Đến nay đã có 117 cơ quan của 65 quốc gia tham gia. Mục đích của Mạng lưới nhằm nỗ lực phát triển một công cụ hữu hiệu, nhanh chóng cho các cơ quan thực thi pháp luật chống tham nhũng xuyên biên giới, tăng cường liên hệ cung cấp thông tin, trao đổi và học hỏi giữa các cơ quan này và đẩy mạnh hợp tác với những nền tảng sẵn có và hữu ích thông qua hợp tác quốc tế.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Đoàn đại biểu VKSND tối cao cho biết, trong quá trình tham gia Hội nghị, Đoàn đại biểu Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Thứ nhất, Việt Nam đã thành công trong việc tái khẳng định cam kết của mình và thể hiện trách nhiệm đối với công tác phòng chống tham nhũng.
Thứ hai, Việt Nam đã có cơ hội tiếp xúc, gắn kết và hiểu hơn về các nước tham gia Hội nghị, đặc biệt là được tiếp cận những thực tiễn tốt trong hoạt động tương trợ của các nước. Ngoài ra, thông qua các phiên làm việc, Việt Nam cũng có nguồn ý tưởng tốt để cải tiến hiệu quả trong hoạt động tương trợ tư pháp của nước mình.