Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự và chỉ đạo hội nghị.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các đơn vị Vụ, Cục, Cơ quan thanh tra, giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, các VKSND cấp cao; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc TAND cấp cao tại Hà Nội, Công an TP Hà Nội…; lãnh đạo 35 ngân hàng thương mại; đại diện lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo phòng nghiệp vụ của VKSND 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cùng toàn thể lãnh đạo, công chức VKSND cấp cao tại Hà Nội...

leftcenterrightdel
Các đại biểu dự hội nghị 

Theo báo cáo của VKSND cấp cao tại Hà Nội, trong 3 năm qua (từ tháng 6/2015 đến tháng 12/2018), VKSND 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và VKSND cấp cao tại Hà Nội đã thụ lý, giải quyết nhiều vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cụ thể, đối với án sơ thẩm (cấp tỉnh), đã thụ lý tổng số 721 vụ án, đã giải quyết 626 vụ; án phúc thẩm, đã thụ lý tổng số 203 vụ, đã giải quyết 172 vụ; án giám đốc thẩm, tái thẩm đã thụ lý tổng số 107 vụ án, đã giải quyết 96 vụ.

Về cơ bản, trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã cơ bản làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, góp phần tích cực, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh các tổ chức tín dụng hoạt động có uy tín, hiệu quả thì cũng có một số tổ chức tín dụng còn buông lỏng quản lý dẫn đến các đối tượng trong và ngoài tổ chức tín dụng thực hiện hành vi chiếm đoạt hoặc gây thất thoát tài sản của Nhà nước, của tổ chức tín dụng. Các hành vi vi phạm đó là nguyên nhân làm phát sinh tội phạm, vi phạm, tranh chấp trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Quang Thành, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội phát biểu 
leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Tư Quỳnh, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội trình bày báo cáo 

Tội phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng chủ yếu ở 2 nhóm tội phạm tham nhũng, chức vụ và xâm phạm sở hữu. Tính chất, hậu quả của tội phạm và những vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng là nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Nhà nước, thiệt hại cho các tổ chức tín dụng (đặc biệt là các đại án lớn, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng), làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống tài chính, sự quản lý, điều hành của Nhà nước trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng và làm ảnh hưởng đến sự lành mạnh, ổn định của thị trường tiền tệ.

Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, VKSND cấp cao tại Hà Nội đã phân tích các vụ án cụ thể, tổng hợp các dạng tội phạm và vi phạm cơ bản phát sinh trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Cụ thể, là các nhóm hành vi chiếm đoạt tài sản của tổ chức tín dụng; nhóm hành vi vi phạm các quy định trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng gây thất thoát tài sản của tổ chức tín dụng…

Tại hội nghị, dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Quang Thành, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội, các đại biểu đã nghe các ý kiến phát biểu của VKSND TP Hà Nội; VKSND tỉnh Nghệ An; đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội… đề cập đến thực trạng vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng; kinh nghiệm, bài học kinh nghiệm cũng như các kiến nghị, giải pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu chỉ đạo 

Hội nghị cũng nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề cập đến những mặt tồn tại, hạn chế, vi phạm thời gian qua trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng; đồng thời đề cập đến các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận, đánh giá cao việc tổ chức cũng như nội dung tài liệu được chuẩn bị tại hội nghị.

Nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của hội nghị, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, thời gian qua, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng có chiều hướng gia tăng.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo, kết luận hội nghị

Nguyên nhân của vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng là do thiếu cơ chế kiểm soát, giám sát hữu hiệu đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp, tập đoàn lợi dụng; việc triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng triển khai còn chậm và gặp nhiều vướng mắc, bất cập. Mặt khác, việc đấu tranh với các loại vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng gặp khó khăn do liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau; đội ngũ Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thẩm phán chưa được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực này; công tác giám định còn kéo dài…

Từ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát đã tổng hợp các dạng tội phạm và vi phạm cơ bản phát sinh trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Đồng thời, cũng đã chỉ rõ những tồn tại, thiếu sót của cơ quan tố tụng khi giải quyết loại án này.

Để việc nâng cao chất lượng hoạt động của Ngân hàng cũng như giúp cho việc giải quyết các vụ án trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng đạt hiệu quả, theo đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao ngoài việc hoàn thiện pháp luật thì Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát ngân hàng. Thường xuyên tổng kết, đánh giá đầy đủ, toàn diện và cụ thể các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Ngân hàng thương mại. Đặc biệt cần có giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tín dụng ngân hàng, phải là người có trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng; giữa Ngân hàng Nhà nước với Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao; giữa ngân hàng với cơ quan tiến hành tố tụng địa phương.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo VKSND tối cao, Ngân hàng Nhà nước và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm 

Các cơ quan tiến hành tố tụng cần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, giải quyết các tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến tín dụng, ngân hàng.

Ngoài ra, chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp cũng phải được nâng cao, trong đó phải được đào tạo, bồi dưỡng về các loại tội phạm liên quan đến tín dụng, ngân hàng và kỹ năng giải quyết các vụ án liên quan đến lĩnh vực này. Viện kiểm sát cần tập hợp các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng để có kiến nghị với ngân hàng có biện pháp khắc phục.

Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị, sau hội nghị và thời gian tới, các VKSND cấp cao tiếp tục tập hợp các dạng vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng để thông báo trong toàn Ngành nghiên cứu, tham khảo, vận dụng trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Đắc Thái