Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài bị bắt
Cập nhật lúc 13:09, Thứ bảy, 08/12/2018 (GMT+7)
Ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND TP HCM) về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 BLHS năm 2015.
Bị cáo buộc cùng hành vi còn có ít nhất 3 cựu cán bộ của TP HCM. Nhà chức trách cũng thực hiện lệnh khám xét nhà và nơi làm việc của các nghi can.
Cơ quan điều tra cũng đang mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ sai phạm của các cá nhân liên quan tại các sở, ban, ngành của TP HCM, Bộ Công thương để xử lý theo quy định.
Ông Nguyễn Thành Tài (66 tuổi), từng giữ chức Chánh văn phòng UBND TP HCM (1998-2001), sau đó làm Phó chủ tịch UBND thành phố (2001-2010) rồi Phó chủ tịch Thường trực UBND TP HCM (2010 đến 2015). Hồi tháng 5, ông Tài bị Thanh tra Chính phủ xác định là người chịu trách nhiệm chính, đã ký các quyết định cho thuê khu đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1) không qua đấu thầu, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
|
|
Ông Nguyễn Thành Tài. Ảnh plo.vn |
Khu đất gần 5.000 m2 tại số 8-12 Lê Duẩn (quận 1) có vị trí đắc địa bậc nhất Sài Gòn. Thời điểm năm 2007 lô đất do Công ty quản lý Kinh doanh nhà TP HCM quản lý và cho 4 công ty cổ phần: Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Kim khí Thành phố, Hóa chất vật liệu điện thành phố và Vận tải xăng dầu (thuộc Bộ Công Thương) thuê làm trụ sở.
Bộ này từng gửi công văn đề nghị TP HCM cho mua chỉ định lô đất nhưng không được chấp thuận. Sau đó, UBND TP HCM có chủ trương sử dụng khu đất này để xây dựng khách sạn tiêu chuẩn năm sao và một phần trung tâm thương mại. Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP HCM được giao trách nhiệm thu hồi và quản lý mặt bằng trong thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án.
Theo nguyên tắc, TP HCM phải cho đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn nhưng theo đề nghị của Bộ Công Thương (đơn vị thuê đất) và sau nhiều lần thay đổi về chủ trương, phương thức đầu tư, năm 2010, UBND TP đồng ý phương án thành lập công ty cổ phần (Công ty Lavenue) để thực hiện dự án. Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP HCM góp vốn 50%; còn lại do 4 công ty thuộc Bộ Công Thương góp (chia đều mỗi công ty là 12,5%). Ngay sau khi được UBND thành phố ưu tiên cho tham gia cổ phần, các doanh nghiệp của Bộ Công thương đã "lật kèo" (cách gọi của một nguyên lãnh đạo thành phố), cùng sang nhượng quyền đầu tư phát triển dự án cho một công ty tư nhân để kiếm lời.
Chỉ trong vòng hai tháng sau, dự án trên khu đất vàng này đã bán 80% cổ phần cho doanh nghiệp tư nhân. Tháng 6/2011, Lavenue được UBND TP HCM chấp thuận cho sử dụng toàn bộ khu đất trên để đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Hình thức sử dụng đất là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất tại số 8 Lê Duẩn và cho thuê hàng năm với khu đất số 12 Lê Duẩn. Giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất tại số 8 Lê Duẩn (3.433 m2) theo giá trị trường là hơn 621,7 tỷ đồng.
Đơn giá thuê đất tại số 12 Lê Duẩn theo giá thị trường là hơn 3,5 triệu đồng mỗi m2 một năm. Sở Tài chính TP HCM thẩm định giá lại kết quả của đơn vị tư vấn, đơn giá quyền sử dụng đất của khu đất số 8 Lê Duẩn là gần 177 triệu đồng mỗi m2 và đơn giá cho thuê đất trả tiền hàng năm là 3,53 triệu/m2.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, hiện nay giá đất tại khu vực đường Lê Duẩn khu trung tâm tới trên 400 triệu đồng/m2. Nếu đấu giá khu đất này có thể thu về trên 2.000 tỷ đồng.
Theo vne