Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, những năm qua, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tối cao luôn xác định công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tổ chức cán bộ, công tác xây dựng Ngành. Do đó, kết quả công tác này có nhiều chuyển biến tích cực, vai trò của cán bộ nữ được ghi nhận, phát huy, đóng góp vào thành tích chung của ngành KSND và sự phát triển của xã hội. Để có cái nhìn rõ nét hơn về công tác này, nhân kỷ niệm 109 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3, PV đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành KSND.

PV: Đồng chí có thể cho biết về một số kết quả đạt được của công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ ngành KSND trong thời gian qua?

Đồng chí Trần Công Phàn: Thời gian qua, VKSND tối cao đã chỉ đạo VKSND các cấp quán triệt, phổ biến đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ…. Ngày 04/4/2016, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 06 về tăng cường sự lãnh đạo trong công tác vì sự tiến bộ phụ nữ của VKSND và ban hành Kế hoạch thực hiện bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ trong ngành KSND giai đoạn 2016-2020, trong đó đề ra mục tiêu, yêu cầu, nội dung cùng các chỉ tiêu cụ thể và tiến độ thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trong ngành KSND làm cơ sở cho các đơn vị, VKSND các cấp thực hiện tốt, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác này.

Đến nay, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ đã được thành lập ở VKSND tối cao, ở tất cả các VKSND cấp cao và 63 VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND cùng cấp tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, đề xuất các mục tiêu, biện pháp và giải pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đặc thù của ngành KSND. 

Có thể thấy, trong 10 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo VKSND các cấp, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ ngành KSND đã có nhiều cố gắng, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực và quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của ngành KSND. Một số đơn vị trong Ngành đã phấn đấu đạt nhiều mục tiêu trong kế hoạch đề ra với tỷ lệ tương đối cao; năng lực quản lý nhà nước, chất lượng nguồn nhân lực cán bộ nữ và nhận thức về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ của lãnh đạo các đơn vị, VKSND các cấp, của cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên. Vì thế, số cán bộ nữ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là Kiểm sát viên giỏi, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua ngành, chiến sĩ thi đua toàn quốc và số cán bộ nữ được khen thưởng các danh hiệu thi đua hàng năm đều tăng...

Sự tham gia của cán bộ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, chức danh tư pháp ở các đơn vị VKSND các cấp, nhiều cán bộ nữ được đưa vào quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý, chức danh tư pháp trong Ngành được tăng cường. 

Hiện tỷ lệ nữ công chức/tổng số công chức toàn Ngành chiếm tỷ lệ 53%, trong đó, tỷ lệ nữ Viện trưởng VKSND cấp tỉnh/ tổng số toàn Ngành chiếm 10%, Phó Viện trưởng VKSND cấp tỉnh/tổng số toàn Ngành chiếm tỷ lệ 25%; tỷ lệ nữ Vụ trưởng và tương đương/tổng số cán bộ cấp Vụ của Ngành là 8% và nữ Phó Vụ trưởng và tương đương/tổng số cán bộ cấp Vụ của Ngành là 11%. Ngoài ra, Ngành cũng có không ít nữ cán bộ là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp huyện... 

leftcenterrightdel

Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao,Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành KSND chụp ảnh lưu niệm cùng nữ cán bộ cơ quan VKSND tối cao. Ảnh: PV                                                      

PV: Đối với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, được biết, kể từ khi thành lập đến nay, Ban đã có nhiều hoạt động thiết thực, đóng góp không nhỏ vào kết quả công tác của Ngành. Đồng chí đánh giá như thế nào về hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành KSND và của Viện kiểm sát các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương?

Đồng chí Trần Công Phàn: Qua số liệu trên cho thấy, tuy là một ngành có nghề nghiệp đặc thù nhưng số lượng cán bộ, công chức, viên chức nữ tại VKSND các cấp có tỷ lệ tương đối cao so với biên chế; VKSND các cấp luôn quan tâm đến công tác bổ nhiệm cán bộ nữ vào các chức vụ lãnh đạo và công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo nữ, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn Ngành và từng đơn vị.... 

Đáng nói là, căn cứ chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành KSND và VKSND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tham mưu, đề xuất với tổ chức Đảng, cấp ủy, chính quyền ban hành một số chủ trương, văn bản và đề ra các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể đối với công tác cán bộ nữ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2016 - 2020...

Hàng năm, Ban đều xây dựng Chương trình công tác với những nội dung cụ thể, có sự phân công công việc và thời gian hoàn thành đối với từng thành viên trong Ban, qua đó nâng cao trách nhiệm cá nhân, phát huy sức mạnh tập thể, tận dụng tối đa các nguồn lực cho mục tiêu nâng cao bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành KSND.

Tích cực triển khai các nhiệm vụ trong kế hoạch, chương trình bình đẳng giới, và vì sự tiến bộ của phụ nữ thu được những kết quả nhất định, đã tạo được một số điểm nhấn, tạo sự lan tỏa trong Ngành. Đa số các đơn vị, VKSND các cấp đều thực hiện tốt nhiệm vụ công tác bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nữ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ và phát triển với chiều hướng cao hơn.

Cụ thể như, tổ chức có chất lượng một số hoạt động nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10), ngày Quốc tế Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (25/11)...

Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ nữ, tạo cơ hội cho nữ cán bộ phát triển như: chọn cử, đề xuất, tạo điều kiện cho cán bộ nữ đi học, thi nâng ngạch, khám sức khỏe định kỳ... Và mới đây, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Ngành, ngày 26/2/2019, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Ngành đã tham gia cùng Lãnh đạo VKSND tối cao ký Quy chế phối hợp giữa Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - TAND tối cao - VKSND tối cao - Bộ Công an về Chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2019 - 2022, được dư luận xã hội đánh giá cao…

Đa số Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ VKSND cấp tỉnh tiếp tục thực hiện tốt hoạt động bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ tại cơ quan, đơn vị, từ đó góp phần hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, tiêu biểu là Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ VKSND các tỉnh: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Đồng Nai, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Có thể khẳng định, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ VKSND các cấp đã phát huy được tính năng động, sáng tạo, nhiệt tình trong công tác cán bộ nữ.

leftcenterrightdel
Đại diện lãnh đạo 4 cơ quan Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - TAND tối cao - VKSND tối cao - Bộ Công an ký kết chương trình phối hợp.    

PV: Vậy, đồng chí có thể cho biết, trong thời gian tới, ngành KSND có những giải pháp nào để công tác bình đẳng giới, cũng như hoạt động của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ngành KSND được thiết thực, hiệu quả hơn?

Đồng chí Trần Công Phàn: Bên cạnh những thành tích, ưu điểm đã đạt được như nêu trên, công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ của ngành KSND cũng còn những hạn chế nhất định, còn một số chỉ tiêu chưa đạt được như kế hoạch đặt ra. Vì vậy, trong thời gian tới cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau đây:

Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của VKSND các cấp về công tác cán bộ, đào tạo, quy hoạch cán bộ nữ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các cấp ủy và lãnh đạo đơn vị, các đoàn thể và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành Kiểm sát có nhận thức đúng đắn về vai trò của đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức; từ đó, xác định rõ trách nhiệm, quan tâm, tạo điều kiện để nữ cán bộ, công chức, viên chức có tiếng nói và cơ hội tham gia vào mọi hoạt động của Ngành.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo sát với thực tiễn và yêu cầu công việc, trong đó phải cụ thể hóa các tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức tương xứng. Hàng năm, có thể mở các lớp riêng đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức nữ. Tận dụng tối đa mọi nguồn kinh phí, nguồn tài trợ và có chính sách, chế độ thích hợp, tạo điều kiện để khuyến khích cán bộ nữ tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ giữ các vị trí chủ chốt.

Thực hiện tốt khâu tuyển chọn, đánh giá cán bộ nữ làm tiền đề xây dựng quy hoạch cán bộ nữ. Trong rà soát, phân loại cần có sự phân tách về giới để có những đánh giá, chỉ báo riêng, qua đó đề ra các biện pháp thích hợp để đạt được các chỉ tiêu về giới theo xu hướng tăng tỷ lệ công chức, viên chức nữ ở tất cả các lĩnh vực, vị trí công tác, đặc biệt là các vị trí chủ chốt.

Nghiên cứu xây dựng một số chính sách riêng, đặc thù đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ thuộc Ngành. Thông qua việc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách sẽ là cơ hội tốt để phụ nữ khẳng định vị trí, phát huy vai trò của mình, đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp đối với công tác cán bộ nữ.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, vai trò của các tổ chức đoàn thể, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và vai trò của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp. Những vấn đề liên quan đến cán bộ nữ phải có ý kiến đóng góp trước hết của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Các cấp ủy phải coi công tác xây dựng và quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ là nhiệm vụ chính trị của mình. Người đứng đầu phải chủ động quan tâm và tạo mọi điều kiện để đội ngũ cán bộ, công chức nữ phát huy được vai trò, vị thế của mình; phải coi những tiến bộ của phụ nữ như là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, của người đứng đầu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thanh Dịu (Thực hiện)