Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm 2020 - lần đầu tiên ngành Giáo dục Việt Nam triển khai dạy và học trực tuyến áp dụng với học sinh và sinh viên (SV) trên toàn quốc. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thầy và trò trường ĐH Kiểm sát Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành công về giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Nhân dịp năm mới Tân Sửu 2021, Bảo vệ pháp luật đã có cuộc trò chuyện với TS Lại Viết Quang – Hiệu trưởng nhà trường để hiểu được sự đồng lòng, bứt phá vượt qua khó khăn trong đại dịch và định hướng phát triển của trường trong năm mới.

leftcenterrightdel
 TS Lại Viết Quang.

PV: Năm học 2019-2020 đã qua và năm mới 2020-2021 đã đến, thầy có thể chia sẻ về những kết quả trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đạt được trong năm vừa qua?

Trong năm 2020, trường ĐH Kiểm sát Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực công tác như: Công tác đào tạo ĐH, sau ĐH; Công tác bảo đảm chất lượng đào tạo; Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; Công tác nghiên cứu khoa học và tạp chí khoa học Kiểm sát; Công tác tổ chức Hội nghị, hội thảo và hợp tác quốc tế; Công tác xây dựng giáo trình, tài liệu; Công tác tổ chức cán bộ; Công tác thanh tra, kiểm tra và công tác bảo đảm các điều kiện tài chính, cơ sở vật chất, thông tin.

Đặc biệt, trong năm 2020, nhà trường đã mở thêm chuyên ngành Luật Thương mại và tuyển sinh 36 SV; cử 3 SV đi du học tại Hungary; công tác nghiên cứu khoa học của SV được đẩy mạnh và đạt được thành tích cao với hai giải Ba, một giải Khuyến khích SV nghiên cứu khoa học cấp Bộ; một giải Ba, một giải Khuyến khích SV nghiên cứu khoa học giải thưởng Eureka lần thứ 22.

Với thành tích ghi nhận được, 9 SV đã được Viện trưởng VKSND Tối cao tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc khi giành giải thưởng “SV nghiên cứu khoa học – Eureka lần thứ 22” theo Quyết định số 65/QĐ/VKSTC ngày 3/2/2021 và 11 SV đã được Viện trưởng VKSND Tối cao tặng bằng khen khi giành giải thưởng “SV nghiên cứu khoa học” của Bộ GD-ĐT theo Quyết định số 66/QĐ/VKSTC ngày 3/2/2021.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban bí thư trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng thầy trò trường ĐH Kiểm sát Hà Nội tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập (tháng 4/2020).

Bên cạnh đó, Tạp chí Khoa học Kiểm sát đã triển khai xuất bản được 4 số chuyên đề với 115 bài viết khoa học; Tổ chức 16 Hội thảo khoa học cấp trường năm 2020; Nhà trường đã phát động công chức, viên chức, người lao động, học viên, SV tích cực tham gia cuộc thi Tìm hiểu truyền thống 60 năm ngành KSND với 1.004 bài dự thi (gồm 3 bài tập thể, 1.001 bài cá nhân), kết quả đạt một giải Nhì tập thể, một giải Ba cá nhân; Tổ chức thành công lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường ĐH Kiểm sát Hà Nội (25/4/1970 – 25/4/2020).

Ngoài ra, năm 2020, nhà trường đã tham gia cùng các đơn vị nghiệp vụ VKSND Tối cao xây dựng đề thi và tổ chức các kỳ thi quan trọng của ngành như: Kỳ thi tuyển dụng công chức VKSND Tối cao năm 2020; Kỳ thi tuyển dụng công chức ngành KSND năm 2020; Kỳ thi tuyển Điều tra viên các ngạch (cao cấp, trung cấp, sơ cấp) năm 2020; Kỳ thi tuyển Kiểm sát viên các cấp (cao cấp, trung cấp, sơ cấp) năm 2020; Kỳ thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp năm 2020; Kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính năm 2020. Đây là những thành tích nhà trường rất đáng tự hào.

PV: Giá trị cốt lõi tạo nên thành công của trường Đại học Kiểm sát Hà Nội?

leftcenterrightdel
 TS Lại Viết Quang trao bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao tặng các sinh viên có thành tích xuất sắc.

Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội luôn hướng tới các giá trị:

Giảng viên, viên chức, SV, học viên luôn tự hào về ngôi trường và ngành KSND, ý thức đầy đủ trách nhiệm kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của trường và ngành.

Giảng viên, viên chức trường ĐH Kiểm sát Hà Nội vinh dự, nhận thức sâu sắc và gương mẫu hoàn thành hai nhiệm vụ là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành KSND và xã hội; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ngành KSND nói riêng và đội ngũ cán bộ hành nghề Luật ở Việt Nam nói chung, góp phần thực hiện tốt mục tiêu cùa cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Được học tập, rèn luyện tại trường ĐH Kiểm sát Hà Nội có truyền thống hơn 50 năm xây dựng và phát triển là động lực thúc đẩy SV, học viên liên tục phấn đấu đạt chất lượng tốt nhất, có năng lực phát triển lâu dài, bền vững.

Với niềm vinh dự và tự hào được làm việc, học tập dưới mái trường ĐH Kiểm sát Hà Nội, các thế hệ giảng viên, viên chức, người lao động, SV, học viên nỗ lực phấn đấu góp phần nâng cao vị thế của trường trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam.

PV: Ôn lại truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển của trường trong suốt 50 năm qua, những thăng trầm, vượt khó đi lên, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường qua các thời kỳ. Cảm nhận của thầy về những thành quả đạt được trong 50 năm qua?

Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội là ngôi trường có bề dày truyền thống 50 năm thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chủ yếu của ngành KSND và là một trong những cơ sở đầu tiên của cả nước đào tạo cán bộ trình độ chuyên ngành Luật.

leftcenterrightdel
 ĐH Kiểm sát Hà Nội là ngôi trường có bề dày truyền thống.

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, mỗi giai đoạn lịch sử, trường luôn thực hiện tốt nhiệm vụ, công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành KSND, gắn với nhiệm vụ cách mạng của đất nước.

Với truyền thống 50 năm xây dựng và sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm, tập thể công chức, viên chức, người lao động, học viên, SV nhà trường sẽ phát huy tốt hơn nữa những thành tựu đã đạt được và nhất định có những bước phát triển mới trong thời gian tới để góp phần thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND trong tiến trình cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

PV: Thưa thầy, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc tạm cho học sinh, SV đến trường đã tạo một cơ hội cho hệ thống giáo dục Việt Nam trong việc dạy và học trực tuyến. Vậy, nhà trường đã thực hiện công tác này như thế nào để việc dạy-học được đảm bảo?

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động của xã hội nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng của trường ĐH Kiểm sát Hà Nội nói riêng, trường đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm thích ứng với hoàn cảnh công tác mới, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả công tác như: Tăng cường hạ tầng công nghệ thông tin cho phép công chức, viên chức có thể làm việc từ xa; Tổ chức đào tạo trực tuyến cho học viên, SV đồng thời xây dựng, áp dụng các quy định phù hợp về đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến nhằm tiếp tục triển khai ổn định các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên bằng các lớp bồi dưỡng được thiết kế theo nhu cầu của giảng viên nhà trường nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, kỹ năng, phương pháp giảng dạy.

Hơn nữa, các đơn vị trực thuộc chủ động, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ công tác được giao, chủ động đề xuất xin ý kiến Ban giám hiệu, lãnh đạo phụ trách về những giải pháp mới để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao như chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, xây dựng các quy chế, quy định mới liên quan đến lĩnh vực được giao quản lý; Chủ động trong việc đề xuất nhân sự, thực hiện quy trình bổ nhiệm Trưởng bộ môn, Tổ trưởng tổ bộ môn, giao nhiệm vụ Tổ trưởng tổ công tác để phân quyền và tăng trách nhiệm cá nhân trong triển khai nhiệm vụ của đơn vị.

Các khoa chủ động thực hiện nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ biên soạn giáo trình, xây dựng chương trình, tài liệu phục vụ đào tạo thạc sĩ; Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm; Cung cấp nhiều hơn cho học viên, SV các kiến thức và kỹ năng về thực tiễn.

Các đơn vị hỗ trợ, phục vụ chủ động xây dựng quy trình thực hiện công việc, đổi mới phương pháp làm việc, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Kết quả, đa phần kế hoạch công tác của trường đã được hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra; Hoạt động đào tạo ĐH, sau ĐH, đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức ngành tiếp tục được triển khai theo đúng kế hoạch công tác; Các đơn vị thích ứng nhanh với điều kiện, hoàn cảnh công tác mới, chất lượng, hiệu quả công việc tiếp tục được đảm bảo.

leftcenterrightdel
 TS Lại Viết Quang cho rằng, nhà trường cần tập trung thực hiện các giải pháp đột phá, chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

PV: Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội có bước đột phá gì để hòa vào dòng chảy cuộc cách mạng 4.0? Thầy có thể chia sẻ định hướng phát triển của trường trong giai đoạn 2020-2021?

Đối với các yêu cầu đặt ra của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường đã có nhiều định hướng phát triển như:

Chủ động phối hợp, tạo điều kiện về trang thiết bị, nguồn lực hỗ trợ cho giảng viên trong xây dựng bài giảng điện tử, giáo án điện tử, học liệu điện tử. Đặc biệt, trong công tác đào tạo khoa học điều tra hình sự đặt ra yêu cầu phải xây dựng chân dung đối tượng, mô hình mô phỏng 3D trong bài giảng điện tử, xây dựng giáo án điện tử và xây dựng học liệu điện tử,

Bên cạnh đó, trong công tác hướng dẫn SV khám nghiệm hiện trường, đòi hỏi có hệ thống GPS để phục vụ. Dịch vụ GPS là một trong những dịch vụ quan trọng được triển khai trên hệ thống mạng và được phát triển chủ yếu trên nền cách mạng công nghiệp 4.0.

Đối với công tác hỗ trợ quá trình giảng dạy của giảng viên, bài giảng điện tử, giáo án điện tử của giảng viên phải đáp ứng được các yêu cầu mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khi thiết kế môn học, phải cho người học tương tác thực tế với công việc và công tác tại các VKSND thông qua các phương tiện điện tử.

leftcenterrightdel
 Sinh viên ĐH Kiểm sát Hà Nội trao đổi bài học.

Xây dựng phòng học ảo, phòng học trực tuyến, ứng dụng E-Learning trong công tác giảng dạy, xây dựng chương trình thi trực tuyến.

Xây dựng hệ thống mạng, phần mềm và ứng dụng công nghệ thông tin bắt kịp xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0.

Xây dựng môi trường và hành lang công nghệ nâng cao kỹ năng của giảng viên, SV trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

PV: Nhân dịp năm mới Tân Sửu 2021, với vị trí là Hiệu trưởng, thầy có thông điệp gì muốn nhắn gửi tới cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Đại học Kiểm sát Hà Nội?

Bước sang năm mới Tân Sửu 2021, trường ĐH Kiểm sát Hà Nội cần bám sát Chỉ thị của Viện trưởng VKSND Tối cao; Kế hoạch trọng tâm công tác của VKSND Tối cao và của nhà trường đã đề ra; Phát huy những tiềm năng, thế mạnh vốn có của trường; Khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay; Xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong Đảng ủy - Ban Giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị và toàn thể công chức, viên chức, người lao động.

Ngoài ra, cần tập trung thực hiện các giải pháp đột phá, chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Cảm ơn TS Lại Viết Quang !

Lưu Ly