Từ ngày 1/8 tới đây, theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ (thay thế cho các Nghị định 171/2013/NĐ-CP và 107/2014/NĐ-CP), người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng hay đèn đỏ sẽ bị phạt tiền như nhau. Mức phạt tiền cho hành vi vượt đèn vàng cao gần gấp đôi so với hiện hành: với ôtô có thể lên tới 2 triệu đồng và 400.000 đồng đối với môtô, xe gắn máy...
 


Quy định này đang gây nhiều tranh cãi, thậm chí có nhiều người cho rằng, việc nâng mức phạt vượt đèn vàng ngang bằng vượt đèn đỏ là không đúng với quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Tranh cãi với mức phạt vượt đèn vàng tăng gần gấp đôi

Cụ thể, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định, khi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, sẽ phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng; phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý và thu hút nhiều ý kiến trong dư luận chính là việc tăng gần gấp đôi mức tiền xử phạt vi phạm đối với hành vi vượt đèn đỏ và hành vi xử phạt vượt đèn vàng ngang bằng với hành vi vượt đèn đỏ. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định phạt theo Nghị định 46 là không đúng với tính chất của đèn đỏ và đèn vàng bởi đèn đỏ báo hiệu lệnh dừng hẳn, còn đèn vàng thì tính chất của nó báo hiệu sự chuyển đổi từ xanh sang đỏ để người đi đường không bất ngờ.

Có người lại ủng hộ Nghị định 46 với phân tích, việc phạt người đi xe vượt đèn vàng sẽ giúp người khác an toàn hơn khi lưu thông trên đường. Theo đó, sẽ không còn những trường hợp người dân thấy đèn vàng là cố tăng tốc để vượt, vốn rất nguy hiểm.

Trái với các ý kiến trên, có ý kiến lý giải, cần hiểu rõ ý nghĩa của 3 màu đèn tín hiệu. Trong đó, đèn xanh và đỏ là bắt buộc phải tuân thủ tín hiệu. Đèn vàng là báo hiệu để người tham gia giao thông tính toán thực tế có thể vượt hay không để xử lý. Nếu người tham gia giao thông có ý thức thì tự khắc họ sẽ dừng lại khi có đèn vàng, còn không thì cố tình vượt, mà một khi cố tình vượt thì có thể sẽ xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, chỉ nên phạt nặng những tình huống vượt đèn đỏ để thức tỉnh người tham gia giao thông có ý thức kém.

Trái với quy định của Luật Giao thông đường bộ?

Căn cứ khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008, tín hiệu đèn giao thông có ba màu, quy định như sau: Tín hiệu xanh là được đi; Tín hiệu đỏ là cấm đi; Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Như vậy, rõ ràng là hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành tín hiệu đèn giao thông đã bị coi là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ 2008 và đã được xử lý theo các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ từ các Nghị định trước đây và với cả Nghị định 46/2016/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016. Tuy nhiên, theo quan điểm của một số chuyên gia pháp lý, nâng mức xử phạt lỗi vi phạm vượt đèn vàng ngang bằng với lỗi vượt đèn đỏ là không hợp lý. Bởi theo tính chất, mức độ thì tín hiệu đèn vàng được sắp xếp nối tiếp sau các đèn tín hiệu xanh và đỏ. Nếu xảy ra tình trạng vượt đèn tín hiệu vàng thì thường là do vô ý. Điều đó ngược lại với hành vi vượt đèn đỏ thường là do lỗi cố ý. Đèn tín hiệu vàng thường xuất hiện nhanh chỉ ít giây nên khó xác định được thời điểm đã qua trước vạch dừng hay chưa. Nếu xếp lỗi vi phạm vượt đèn vàng như đèn đỏ thì vô hình trung là bỏ đèn tín hiệu vàng.

Về nguyên tắc, các phương tiện phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép đến mức không nguy hiểm (có thể dừng lại một cách an toàn) trong trường hợp qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức (khoản 3 Điều 5 Thông tư 13/2009/TT-BGTVT ngày 17/7/2009 quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ). Nghĩa là, luật đã quy định khi đi qua ngã tư dù có đèn hay không có đèn tín hiệu giao thông thì các phương tiện vẫn phải giảm tốc độ đến mức không nguy hiểm.

Hành vi vượt tín hiệu đèn vàng khi đang tiếp tục di chuyển sẽ khác về tính chất, mức độ đối với hành vi cố tình vượt đèn đỏ nên mức xử phạt tương đương nhau là không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ. Do đó, nếu có căn cứ xử phạt thì mức xử phạt phải thấp hơn lỗi vượt đèn đỏ. Nên chăng chỉ xử phạt mức tiền thấp hơn lỗi vượt đèn đỏ (như quy định cũ tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP)  hoặc nhắc nhở, cảnh cáo là quan điểm được nhiều người tán thành. Hơn nữa, việc xử phạt nặng lỗi vượt đèn vàng như lỗi vượt đèn đỏ có thể gây khó khăn cho cán bộ thực thi vì khó xác định được bằng mắt thường nếu người điều khiển phương tiện vượt qua vạch khi có tín hiệu đèn vàng, dễ xảy ra tranh chấp giữa cán bộ thực thi và người tham gia giao thông.
 

Theo Pháp luật VN

.