Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, lực lượng thanh tra, cảng vụ đường thủy Trung ương đang phối hợp với lực lượng thanh tra, Cảnh sát giao thông đường thủy các địa phương triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông đường thủy, nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy trên các tuyến đường thủy quốc gia dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Theo đó, đối tượng được tập trung kiểm tra gồm: Bến, phương tiện chở khách ngang sông, bến tàu và phương tiện thủy phục vụ du lịch, lễ hội; tàu cao tốc chở khách. Nội dung kiểm tra chú trọng về đăng ký, đăng kiểm phương tiện, trang thiết bị cứu sinh và chống cháy nổ; điều kiện về người lái, thuyền viên và chấp hành quy định về tải trọng, số người được phép chở trên phương tiện.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam yêu cầu lực lượng thanh tra, cảng vụ đường thủy kiên quyết xử phạt, đình chỉ hoạt động đối với bến khách ngang sông không phép, phương tiện thủy chở khách không có chứng nhận đăng kiểm, không đủ trang thiết bị cứu sinh, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp.

leftcenterrightdel
  Mở đợt cao điểm xử lý vi phạm giao thông đường thủy.

Theo quy định tại Nghị định số 139/2021/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, phương tiện thủy tham gia giao thông không có chứng nhận đăng kiểm; dùng chứng nhận đăng kiểm hết hạn hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp, bị phạt từ 3 - 20 triệu đồng (tùy theo trọng tải phương tiện).

Thuyền viên, người lái phương tiện thủy không mang theo bằng lái, chứng chỉ chuyên môn bị phạt 500.000-1 triệu đồng. Người điều khiển phương tiện thủy không có chứng chỉ chuyên môn phù hợp hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng, bằng chứng chỉ chuyên môn bị phạt 2-5 triệu đồng.

Thuyền viên sử dụng bằng thuyền trưởng, máy trưởng hết hạn hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng bị phạt 2-9 triệu đồng (tùy theo hạng bằng phải có).

Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định: phương tiện thủy trang bị thiếu phao, dụng cụ nổi cứu sinh bị phạt 500 nghìn đến 1 triệu đồng nhân với số lượng phao bị thiếu.

Thuyền viên phương tiện thủy chở khách phải hướng dẫn cho khách cách sử dụng áo phao. Trường hợp khách không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông trên phương tiện thủy thô sơ có trọng tải đến 15 tấn hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15CV hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện chở khách ngang sông (đò, phà) bị phạt 1-2 triệu đồng.

Hành khách trên phương tiện thủy cũng có thể bị phạt 300.000-500.000 đồng, nếu có hành vi không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện thủy.

Hồng Vân